Đồng vốn chính sách giúp đồng bào miền núi Thạch Thất làm giàu
Năm 2023, tổng nguồn vốn huy động và quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thất đạt hơn 500 tỷ đồng, doanh số cho vay của đơn vị chủ yếu tập trung vào hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo… giúp bà con miền núi của huyện thêm nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Thạch Thất hiện có hơn 11.500 người dân tộc thiểu số, sống tập trung tại 3 xã: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung. Đồng hành với chính quyền địa phương trong mục tiêu xóa nghèo, giúp đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thất đã đưa vốn vay ưu đãi đến tận người dân. Nhờ đó, nhiều mô hình kinh tế mới xuất hiện, nhiều hộ vươn lên làm giàu, giúp các xã miền núi của huyện đổi thay từng ngày.
Đổi thay ở Yên Trung
Phóng viên Báo Hànộimới cùng cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố, huyện Thạch Thất đến thăm mô hình vay vốn giải quyết việc làm của hộ gia đình chị Nguyễn Thị Bắc ở thôn Đầm Bối, xã Yên Trung.
Trong ngôi nhà khang trang, kiên cố cùng xưởng may được đầu tư máy móc hiện đại, chị Bắc chia sẻ, những năm qua, gia đình tạo được nhiều mô hình kinh tế, trồng keo, sắn; nay mở thêm xưởng may đo các loại trang phục truyền thống của địa phương.
Nhờ vốn vay ưu đãi, chị Bắc mạnh dạn đầu tư thêm máy may. Dịp cuối năm, cơ sở may đo của chị tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, mỗi tháng trừ chi phí, gia đình chị thu nhập 40-50 triệu đồng.
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Thành Quang ở thôn Sổ Tơi, xã Yên Trung cũng là hộ điển hình được hỗ trợ từ đồng vốn chính sách.
Anh Quang vui mừng nói: “Trước đây, bố mẹ tôi trồng rừng kết hợp chăn nuôi trâu bò, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay vốn hộ nghèo, rồi cận nghèo. Nay, tôi trưởng thành, lập gia đình, cũng tiếp tục được vay vốn giải quyết việc làm, gia đình trồng rừng, làm trang trại lâm nghiệp. Khu vườn rừng rộng gần 3ha của gia đình được trồng, chăm sóc tốt, sắp tới kỳ thu hoạch, hứa hẹn nguồn thu không nhỏ”…
Theo tính toán của Trưởng thôn Sổ Tơi (xã Yên Trung) Nguyễn Văn Hoàn, cả thôn có hơn 100 hộ, nhờ vay vốn chính sách, nhiều nhà mua sắm thêm nhiều máy móc như máy cưa, máy xẻ, máy xay xát; đầu tư mô hình trồng rừng chất lượng cao, lựa chọn thêm nhiều cây trồng, vật nuôi mới… Bà con mong thời gian tới, thành phố quan tâm tăng nguồn vốn vay với chương trình giải quyết việc làm để các hộ có điều kiện phát triển kinh tế...
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung Nguyễn Văn Lịch, xã có 80% số hộ là đồng bào dân tộc Mường. Trước đây, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, nhờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng sự đầu tư của Nhà nước về hạ tầng giao thông, từ xã nghèo, khó khăn bậc nhất Thủ đô, nay nhiều hộ dân ở Yên Trung có cuộc sống sung túc. Người dân phát triển đa dạng mô hình kinh tế hộ từ chăn nuôi, trồng rừng, làm dịch vụ...
Ông Lịch cho biết, hiện, đồng vốn ưu đãi toàn xã đạt gần 15,5 tỷ đồng với 336 hộ vay vốn. Xã chỉ còn 16 hộ nghèo và cận nghèo. Thời gian tới, với sự đồng hành cho vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, địa phương phấn đấu số hộ nghèo, cận nghèo chỉ còn dưới 10 hộ.
"Bệ đỡ" của người nghèo
Năm 2023, tổng nguồn vốn huy động và quản lý của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thất đạt hơn 500 tỷ đồng, doanh số cho vay của đơn vị chủ yếu tập trung vào các hộ nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Đồng vốn chính sách đã giúp bà con miền núi của huyện thêm nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thạch Thất Lương Quốc Mạnh cho biết, đồng hành với nông dân vùng dân tộc thiểu số của huyện, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Thạch Thất luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để rà soát, đánh giá, tư vấn, giúp bà con phát triển sản xuất, kinh doanh, cải thiện kinh tế gia đình.
Về hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi giúp người dân địa phương thoát nghèo, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận xét: Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm, còn 66 hộ (0,12%); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1.981 hộ (3,36%).
Từ đầu năm tới nay, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 4.067 lao động, tạo việc làm cho 2.061 lao động. Trong đó, công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống bà con miền núi như: Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung được huyện đặc biệt quan tâm. Công tác giảm nghèo nhận được sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.
Có thể thấy, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp hàng ngàn hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn 3 xã miền núi của Thạch Thất có cuộc sống ngày một tốt hơn.