Luận đàm thời sự

Ba Lan mùa biến động

Đại sứ Trần Đức Mậu 17/10/2023 - 07:15

Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua ở Ba Lan không gây bất ngờ khi đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền từ 8 năm nay được dự đoán vẫn là đảng phái chính trị lớn nhất trong Quốc hội mới nhưng có thể sẽ không được tiếp tục cầm quyền.

Theo kết quả sơ bộ ban đầu, đảng PiS và đối tác liên minh cầm quyền tiềm tàng nhất là đảng cực hữu Confederacja chỉ giành được lần lượt 200 và 12 ghế trong Quốc hội gồm 460 ghế dân biểu. Đảng PiS của ông Jaroslaw Kuczynski đạt được 36,8% và đảng Confederacja được 6,2%.

Trong khi đó, ba đảng lớn nhất trong phe đối lập là đảng Koalicja Obywatelska của cựu Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk được 31,6% và 163 ghế dân biểu, liên minh Con đường thứ ba và đảng cánh tả Nowa Lewica vốn đã từng tuyên bố liên minh cầm quyền trong vận động tranh cử cùng nhau giành được 248 ghế, đủ để thành lập Chính phủ mới.

Cứ theo kết quả này thì ông Kuczynski đã thua ông Tusk trong cuộc đấu chung kết giữa hai địch thủ không đội trời chung ở Ba Lan. Tuy nhiên, phải sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố thì mới thật sự ngã ngũ ai thắng ai thua, thời cũ tiếp tục hay thời mới bắt đầu ở Ba Lan.

Nhưng dù kết quả cuối cùng có thế nào thì cán cân giữa các đảng phái chính trị lớn ở đất nước này cũng không còn như trước cuộc bầu cử. Đảng PiS vẫn là đảng phái chính trị lớn nhất nhưng so với cách đây 4 năm đã bị mất đi gần 7% phiếu bầu, trong khi phe cánh của ông Tusk lớn mạnh. Từ vị thế độc tôn cầm quyền, đảng PiS giờ có thể bị mất quyền hoặc nếu tiếp tục cầm quyền thì phải lụy những đảng phái chính trị nhỏ. Rõ ràng là cử tri xứ này muốn có sự thay đổi cả về đối ngoại lẫn đối nội.

Nếu ông Tusk trở lại cầm quyền thì sẽ có không ít biện pháp chính sách của Chính phủ tiền nhiệm bị đảo ngược. Ông Tusk chủ trương không gây khó cho Liên minh châu Âu (EU) như ông Kuczynski, thân thiện với EU và góp phần giúp EU giải quyết những khó khăn, vượt qua thách thức hiện tại trong vấn đề người tị nạn và di cư, vấn đề mở rộng EU, hậu thuẫn Ukraine, không gây xích mích với nước Đức cùng một vài thành viên khác trong EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO); không kéo bè kết cánh co cụm trong nội bộ EU và NATO như ông Kuczynski.

Ông Tusk cũng sẽ trái ngược ông Kuczynski trong chuyện cải cách tư pháp, sẽ sửa đổi luật được Chính phủ tiền nhiệm thông qua về chuyện phá thai... Ông Tusk còn sẽ làm cho EU, NATO và Ukraine bớt lo về sự hậu thuẫn của Ba Lan dành cho Ukraine chứ không như ông đã khiến Ukraine phải luôn lo ngại và EU, NATO luôn khó xử.

Nếu đảng PiS tiếp tục cầm quyền thì sẽ phải điều chỉnh cơ bản chính sách cầm quyền. Trong 8 năm qua, đảng này đã làm thay đổi Ba Lan trên mọi phương diện và biến Ba Lan trở thành một thành viên hành xử khó lường của EU và NATO. Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đã đưa lại cho Ba Lan cơ hội thuận lợi để trở nên rất quan trọng đối với EU, NATO và Ukraine. Đảng PiS và ông Kuczynski đã tận dụng triệt để cơ hội, vị thế mới này để thực thi chương trình nghị sự cầm quyền về đối nội ở Ba Lan. Cho nên, không có gì là khó hiểu khi trong thâm tâm, cả EU cũng như NATO và Ukraine đều cầu mong phe cánh của ông Tusk thắng cử. Cho nên đảng PiS và ông Kuczynski giờ buộc phải ý thức rằng, nếu được tiếp tục cầm quyền thì phải tự thay đổi chứ không thể cứ tiếp tục như trước nữa, không thể tiếp tục thái quá về đối nội và ngúng nguẩy về đối ngoại.

Mùa thu năm nay xem ra còn là mùa biến động chính trị ở Ba Lan.