Nguy cơ bệnh tật vì thích ăn vị “đậm đà”
Người Việt thường nêm nhiều gia vị, muối, nước mắm cho món ăn thêm “đậm đà”. Đáng lo ngại, thói quen này đang âm thầm tạo “gánh nặng” cho cơ thể và tăng nguy cơ bệnh tật.
Giảm lượng muối ăn hằng ngày là việc không dễ dàng đối với người đang quen ăn mặn.
“Mạnh tay” thêm muối, món ăn mới ngon
Ăn mặn là thói quen khó bỏ của nhiều người Việt Nam. Hầu hết các gia đình luôn đặt một bát nước mắm, xì dầu, bột canh... trên mâm cơm. Muối cũng trở thành gia vị nêm nếm, tẩm ướp không thể thiếu trong nhiều món ăn.
Chị Nguyễn Thanh Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, như nhiều gia đình khác, các loại gia vị bột canh, mắm, muối không thể thiếu trong căn bếp của chị. Đây là những mặt hàng chị mua và sử dụng rất nhiều bởi nó là “linh hồn” của các công thức chế biến, sơ chế món ăn ngon.
“Trước khi luộc thịt hay muốn khử mùi hôi tanh của thịt vịt, hải sản tôi thường dùng muối. Sau khi sơ chế sạch sẽ, tôi cho thêm một chút muối vào nồi nước sôi để miếng thịt khi chín sẽ có vị đậm đà hơn” - chị Hà cho biết.
Tất nhiên, ăn thịt luộc thì phải có nước chấm đi kèm, có khi là bột canh vắt chanh ớt, có bữa thì chấm với nước mắm pha tỏi giã nhuyễn, hôm thì đổi sang bát mắm tôm loãng thêm chút chanh, đường, ớt đánh sủi bọt lên. Vậy là tính sơ sơ, miếng thịt luộc từ lúc chưa luộc đến lúc thưởng thức đã 3 lần tiếp xúc với mắm muối.
Ngay cả những món luộc cơ bản như rau hay củ quả luộc, nhiều bà nội trợ thường ngâm rửa sạch rau củ bằng nước muối rồi khi luộc lại “mạnh tay” thêm chút muối để rau được đậm đà, xanh, giòn. Khi ăn rau hay củ quả luộc, thường có bát nước chấm hoặc đĩa muối vừng trên bàn ăn.
Cách chế biến thức ăn lạm dụng muối khá phổ biến và nhiều người không biết rằng điều này có ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của mọi người trong gia đình. Nhiều người còn có sở thích chấm thức ăn với nước mắm nguyên chất để đảm bảo vị “mặn mòi” chứ không pha loãng ra rồi kết hợp các gia vị như chanh, tỏi, ớt…
Ngay cả đối với trẻ em từ khi bắt đầu ăn bổ sung bột hay cháo, nhiều bà mẹ cũng nêm thêm gia vị để món ăn vừa miệng, con cũng dễ ăn hơn dù loại bột ăn liền vốn đã có hàm lượng muối đủ cho nhu cầu của trẻ. Trẻ nhỏ, vì vậy, khó có thể ăn nhạt từ bé mà quen với các món ăn đậm đà.
Thói quen và khẩu vị là thứ rất khó thay đổi. Huống chi thói quen ăn mặn của nhiều người đã hình thành từ trong gia đình và tồn tại suốt mấy chục năm.
Món ăn vị đậm có thể chiều lòng người ăn nhưng sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn nếu sử dụng thường xuyên. Bởi vậy, việc hình thành một chế độ ăn hợp lý là cần thiết để nâng cao sức khỏe và bảo vệ bản thân, gia đình trước bệnh tật.
Những quan niệm sai lầm
Muối còn được gọi là natri clorua, khoảng 40% là natri và 60% clorua. Muối tạo hương vị đậm đà cho thực phẩm cũng là một chất bảo quản thực phẩm vì vi khuẩn không thể phát triển khi có lượng muối cao.
Cơ thể con người cần một lượng nhỏ natri để dẫn truyền các xung thần kinh, co bóp và thư giãn cơ bắp, đồng thời duy trì sự cân bằng hợp lý giữa nước và khoáng chất.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy những người có chế độ ăn nhiều natri, ít kali có nguy cơ tử vong cao hơn do đau tim hoặc nguyên nhân khác. Những người có lượng natri tiêu thụ cao có nguy cơ tử vong cao hơn so với những người có lượng natri tiêu thụ thấp.
Tại Việt Nam, theo kết quả điều tra toàn quốc năm 2015, trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối/ngày. Còn theo kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021, do Bộ Y tế chủ trì thực hiện, cho thấy lượng muối mỗi người tiêu thụ hiện là 8,1g/ngày, dù thấp hơn trước đây nhưng vẫn cao hơn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới.
Cũng theo điều tra này, tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu hoặc trong khi ăn là 78,2%; có 8,7% số người được hỏi luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ dưới 5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê).
Đáng lo ngại hơn, nhiều người có suy nghĩ sai lầm về việc bổ sung muối và tác hại của việc ăn mặn đối với cơ thể. Ví dụ, không ít người cho rằng khi thời tiết nóng nực, cơ thể đổ nhiều mồ hôi, chúng ta cần nhiều muối hơn trong chế độ ăn uống. Điều này là sai, vì lượng muối mất đi qua mồ hôi rất ít nên không cần thêm muối mà cần phải uống nhiều nước.
Một số người lại có suy nghĩ rằng ăn muối biển tốt cho sức khỏe, nhưng trên thực tế, bất kể nguồn muối nào thì việc lạm dụng đều gây ra hậu quả xấu cho sức khỏe. Việc ăn mặn cũng không giúp dễ sinh con trai hay chống lại thời tiết lạnh giá như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Trong khi đó, việc ăn mặn sẽ gây ra những bất lợi cho sức khỏe như làm tăng tình trạng mắc các bệnh không lây nhiễm (tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường…). Việc sử dụng quá nhiều muối, gia vị chứa muối và các thực phẩm chứa muối (chứa natri) còn dẫn đến một số bất lợi khác đối với sức khỏe như giữ nước trong cơ thể bệnh nhân suy tim, người bị thận nhiễm mỡ; gây phù chu kỳ, phù trước kỳ kinh, phù vô căn; tăng co thắt, kích thích cơn suyễn; tăng nguy cơ loãng xương...
ThS.BS Ngô Thị Hà Phương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết: “Phần lớn lượng natri đưa vào cơ thể là các gia vị được nêm nếm trong quá trình chế biến món ăn. Do đó, chúng ta nên giảm lượng muối, gia vị mặn trong chế biến món ăn và thay thế bằng các loại gia vị khác để làm tăng cảm giác ngon miệng. Thay vì muối, có thể sử dụng các loại thảo mộc và gia vị để có thêm hương vị”.
“Mẹo” giảm lượng muối ăn trong khẩu phần
Lượng muối tiêu thụ của mỗi người Việt đang ở mức gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Do đó, các bà nội trợ cần có “chiến lược” giảm lượng muối trong bữa ăn gia đình.
Với người trưởng thành, việc thay đổi khẩu vị và thói quen ăn mặn không dễ dàng. Nhiều người từ chối ăn nhạt dù biết rõ điều đó cần thiết cho sức khỏe chỉ vì “không thể ăn những món thiếu đậm đà”.
Do đó, việc tập thói quen ăn nhạt cần có những thay đổi nhỏ và từng bước một. Người đầu bếp của gia đình nên đọc nhãn trước khi chọn thực phẩm chế biến sẵn để xác định hàm lượng muối, nên mua thực phẩm tươi sống và không có chất bảo quản, chọn tự nấu ăn tại nhà thay vì tới hàng quán.
Nên ưu tiên chọn thực phẩm tươi thay vì các món ăn chế biến sẵn như thịt muối, cá hộp, thịt xông khói, xúc xích, giò chả, dưa muối, cà muối, mỳ ăn liền, bim bim, hạt điều rang muối... Nguyên nhân là vì các thực phẩm chế biến sẵn thường được cho thêm nhiều muối để có thể bảo quản được lâu.
Khi chế biến, có thể nêm các gia vị khác để thay thế hoặc giảm lượng muối, như tiêu, ớt, gừng, nghệ, riềng, sả, hành, ngò, rau mùi, tỏi, mù tạt… để tạo hương vị cho món ăn. Thay các món rim, kho bằng các món hấp và luộc.
Một mẹo nhỏ nhưng rất hữu dụng là không để lọ đựng muối, chén nước chấm sẵn ở trên bàn ăn để ngăn việc chấm thêm vì... quen tay. Nếu dùng muối khi sơ chế thì phải rửa, ngâm, vắt xả trước khi ăn để loại bớt muối. Ngoài ra, các gia đình cần hạn chế tiêu thụ đồ chua, đồ muối, khô cá...
Phụ huynh cần hình thành thói quen ăn giảm muối cho trẻ nhỏ. Thực tế, vị giác của trẻ nhỏ rất nhạy, nếu được cho ăn chế độ nhiều muối từ nhỏ thì dễ hình thành thói quen thích ăn mặn ở trẻ. Do đó, khi nấu ăn cho trẻ, cần cố gắng giữ nguyên hương vị có sẵn bởi đa số thực phẩm tươi sống đều đã có hàm lượng muối nhất định.
Thanh Phong