Hà Nội kết nối

Côn Đảo: Phát triển kinh tế tuần hoàn để tăng trưởng xanh

Chí Linh - Tùng Lâm 16/10/2023 - 20:29

Ngày 16-10, Côn Đảo trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ứng dụng kinh tế tuần hoàn vào 6 lĩnh vực trọng yếu, sau đó sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh.

a185.jpg
Côn Đảo biệt lập ngoài biển, cách thành phố Vũng Tàu gần 200km, được chọn thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

"Cõng" 25 tấn rác/ ngày

Huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là một quần đảo ngoài khơi, cách thành phố Vũng Tàu gần 200km về phía Đông Nam. Toàn huyện gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, tổng diện tích 76km2 , có hơn 10.700 dân, sinh sống chủ yếu trên đảo lớn nhất là đảo Côn Sơn (hay còn gọi là Côn Lôn, Phú Hải), rộng hơn 56,5km2.

Côn Đảo cũng là địa danh du lịch nổi tiếng ở phía Nam. 9 tháng năm 2023, huyện đón hơn 553,8 nghìn lượt du khách. Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 1,991 nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những nguồn thu lớn của huyện đảo, vừa là động lực, vừa là thách thức trong thực hiện tăng trưởng xanh.

Theo UBND huyện Côn Đảo, người dân và du khách mỗi ngày xả ra khoảng 25 tấn rác, bao gồm 2 tấn rác thải nhựa. Tuy nhiên, công suất hiện tại của nhà máy xử lý rác trên đảo chỉ đạt mức 10 tấn ngày. Số rác thải còn lại được thu gom, chờ xử lý đang gây ô nhiễm môi trường khu vực quanh bãi rác, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, du lịch.

a186.jpg
Rác thải sinh hoạt tại Côn Đảo đang là vấn đề lớn về môi trường tại địa phương.

Ngoài ra, nước thải sinh hoạt và từ các cơ sở lưu trú du lịch, nơi tập kết, sơ chế thủy, hải sản… cũng đang gây nhiều thách thức cho môi trường trên đảo lớn Côn Sơn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo Đặng Minh Thông cho biết, để giải quyết các vấn đề nêu trên, ngày 16-3-2023, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phê duyệt Đề án “Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo” giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án đặt ra 6 mục tiêu, gồm: Không rác thải nhựa; tuần hoàn nước; tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo; tăng xe điện; bảo tồn đa dạng sinh học; du lịch tuần hoàn.

a187.jpg
Côn Đảo phấn đấu xây dựng môi trường xanh, tăng trưởng xanh.

Cụ thể, đề án xác định đến năm 2030, có 100% rác thải hữu cơ và 50% lượng rác thải rắn sinh hoạt tại Côn Đảo được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn thông qua các mô hình kinh tế tuần hoàn. Tăng diện tích trồng và phục hồi rạn san hô lên 6-7ha. Phấn đấu đạt 100% xe vận tải hành khách thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 30%.

Thu hút nhiều nguồn lực để thực hiện

Đề án trên sẽ được triển khai qua 6 nhóm giải pháp gồm: Giáo dục nhận thức về kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu rác thải, không rác thải nhựa, tuần hoàn nước; phát triển giao thông xanh và sử dụng hiệu quả năng lượng; bảo tồn đa dạng sinh học; du lịch bền vững gắn với áp dụng kinh tế tuần hoàn.

a189.jpg
Hệ thống hồ chứa, xử lý nước (phía bên trái) tại Côn Đảo.

Hiện Côn Đảo đã hoàn thành dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung (giai đoạn 1 có công suất xử lý 1.000 m3/ngày đêm), chất lượng nước đầu ra có thể phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, khối lượng công việc còn lại cần nguồn vốn lớn để thực hiện. Đơn cử, với nước sinh hoạt, Côn Đảo cần xây dựng hệ thống cấp nước liên kết cho đảo chính, quy mô công suất dự kiến khoảng 200 m3/ngày đêm; xây các hồ chứa nước trên các triền núi nhằm lưu trữ nước ngọt và cung cấp nước ngầm; hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt…

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Côn Đảo cần gắn các dự án, mục tiêu trên với các mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế tuần hoàn để thu hút nhà đầu tư.

Cùng với mục tiêu trên, Tiến sĩ Trần Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) gợi ý: Côn Đảo có thể thử nghiệm quy mô nhỏ việc cho các khu nghỉ dưỡng phát triển năng lượng tái tạo, tiếp cận chính sách tín dụng xanh, tài chính xanh, sau đó mở rộng quy mô ứng dụng.

a191.jpg
Côn Đảo được định hướng phát triển thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh tầm cỡ quốc tế, tăng trưởng xanh và bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh thông tin, tỉnh và huyện sẽ tận dụng nguồn lực từ nghiên cứu kết hợp với các chương trình quốc gia và địa phương, tìm kiếm nguồn kinh phí từ các quỹ quốc tế; thu hút nguồn kinh phí, hỗ trợ tư nhân và doanh nghiệp thông qua các dự án thử nghiệm sản xuất, bao gồm các lĩnh vực năng lượng, nước, vật liệu và bảo tồn thiên nhiên… để thực hiện các mục tiêu trên.