Doanh nhân Việt trụ vững trước những cơn “gió ngược”
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đối mặt với nhiều cơn “gió ngược”, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vẫn nhanh chóng thích ứng, trụ vững và tiếp tục có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế nước nhà.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Báo Hànộimới xung quanh nội dung này.
- Xin ông cho biết những nét chính về quy mô phát triển và những điểm mới của đội ngũ doanh nhân Việt Nam hiện nay?
- Những năm qua, với sự đồng hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng lớn mạnh. Cả nước có gần 900 nghìn doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%. Lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng phát triển cả về quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, nhất là trong việc duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, ổn định đời sống nhân dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt trong hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực. Đặc biệt, trong thời gian gần đây đã xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ, năng động, khởi nghiệp thành công với các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Bên cạnh đó, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân hiện được tiếp cận với thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, làm thay đổi mô hình kinh doanh, phương thức điều hành, quản trị doanh nghiệp ngày càng tinh gọn, hiệu quả, năng suất, chất lượng hơn. Các doanh nghiệp đã tận dụng các hiệp định thương mại tự do để tiếp cận với các thị trường rộng lớn trên thế giới, tập trung vào chuyên môn sâu ở các lĩnh vực lớn như khoa học công nghệ, phần mềm, bán dẫn, chế tạo, các sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao… Có thể thấy rất nhiều điểm mới đáng tự hào của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân ngày nay.
- Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục giữ vai trò trụ cột cho sự phát triển kinh tế - xã hội, những đóng góp đó cụ thể là gì, thưa ông?
- Nói đến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trước hết phải khẳng định vai trò trụ cột chính cho nền kinh tế. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp khoảng trên 40% GDP, thu hút gần 50% tổng số lao động đang làm việc trong toàn bộ nền kinh tế.
Các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong công tác an sinh xã hội và dành nguồn quỹ lớn cho công tác này. Ngay trong bối cảnh dịch Covid-19 và sau dịch Covid-19 dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiều hình thức, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đóng góp rất lớn cho công tác an sinh xã hội.
Trong hội nhập quốc tế, ngày càng có nhiều doanh nghiệp vươn tầm ra toàn cầu, khẳng định thương hiệu uy tín của doanh nghiệp Việt Nam.
Bằng thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đã đóng góp cho kho tri thức kinh tế - xã hội, để từ đó tổng kết thành những chủ trương, đường lối phát triển kinh tế đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước Việt Nam hùng cường.
- Sự phát triển của kinh tế thế giới và trong nước hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức mới. Theo ông, đâu là những hạn chế cần khắc phục của đội ngũ doanh nhân Việt Nam?
- Với quy mô nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, tính chuyên nghiệp, khả năng quản trị, thích ứng với các mô hình quản trị đòi hỏi chiều sâu của doanh nghiệp Việt hiện chưa có nhiều cải thiện. Quy mô vốn trung bình của doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ, chỉ đạt khoảng trên dưới 10 tỷ đồng. Nguồn lực hạn chế khiến hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, khó tiếp cận, đầu tư công nghệ hiện đại, do đó khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường cũng thấp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự liên kết chặt chẽ; một bộ phận doanh nghiệp, doanh nhân chưa nắm vững chính sách, pháp luật; nhiều doanh nghiệp quản trị theo mô hình gia đình, thiếu tính sáng tạo, không nhận thức rõ vai trò của phát triển văn hóa doanh nghiệp như là cốt lõi phát triển doanh nghiệp bền vững…
- Tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới kinh tế trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam chịu tác động ra sao từ những cơn “gió ngược” đó, thưa ông?
- Sau dịch Covid-19 và đặc biệt từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế thế giới diễn biến bất ổn, tác động nhiều mặt tới kinh tế trong nước. Những cơn “gió ngược” đó tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp, gây khó khăn lớn nhất là về thị trường trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng rộng và dựa chính vào xuất khẩu. Tổng cầu suy giảm cả nội địa và quốc tế, nhất là các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu, châu Á… khiến hoạt động xuất, nhập khẩu chậm lại, thiếu đơn hàng, thiếu việc làm. Nhiều thị trường đang gia tăng yêu cầu khắt khe với hàng hóa nhập khẩu liên quan tới bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, tuần hoàn… Giá nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; môi trường đầu tư, kinh doanh còn tiềm ẩn những bất cập; một số quy trình, thủ tục hành chính chưa thuận lợi. Ngoài ra còn phải kể đến sự thiếu đồng bộ, thống nhất của các văn bản pháp luật gây ra không ít trở ngại cho doanh nghiệp...
- Vấn đề phát triển xanh, bền vững là tất yếu đối với kinh tế thế giới và trong nước. Các doanh nghiệp đã tiếp cận vấn đề này ra sao, thưa ông?
- Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt chính sách, xu thế, yêu cầu mới của thế giới và các thị trường, do đó đã nhanh chóng thích ứng. Phát triển xanh, bền vững là hướng đi tất yếu buộc các doanh nghiệp phải thay đổi nếu không muốn bị loại khỏi “cuộc chơi”.
Tuy còn nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp đang nỗ lực đổi mới công nghệ, đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, triển khai năng lượng tái tạo… Nhiều mô hình mới đã được chia sẻ để các doanh nghiệp cùng học hỏi, áp dụng, cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã nhận thức ngày càng tốt hơn vấn đề phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp cần được hỗ trợ nhiều hơn để tiếp cận hướng đi này, trong đó cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để chủ động nguồn nguyên liệu cho phát triển xanh.
- Thời gian tới, Hiệp hội có những giải pháp gì để tiếp tục hỗ trợ
các doanh nghiệp, doanh nhân, thưa ông?
- Thời gian qua, Hiệp hội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế VAT, thuế thuê đất… Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân, như kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách, hỗ trợ kết nối giao thương, đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, giải quyết tranh chấp pháp lý… với những chương trình, việc làm cụ thể, trên diện rộng.
- Ông có kiến nghị gì để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp, doanh nhân phát triển sản xuất kinh doanh?
- Doanh nghiệp, doanh nhân cần được hỗ trợ nhiều mặt, trong đó, quan trọng nhất là hỗ trợ về thể chế, chính sách. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo cơ chế thông suốt, thuận tiện, mọi thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, giảm bỏ thủ tục rườm rà, các chi phí không chính thức… Sự minh bạch về thông tin, thủ tục là cơ sở tạo sự cạnh tranh sòng phẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tham gia thị trường và từng bước lớn mạnh.
Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, chương trình kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh sức mua, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đầu ra ngay tại thị trường trong nước; đẩy nhanh tiến độ đầu tư công để doanh nghiệp gia nhập thị trường, đáp ứng nhu cầu đầu tư. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác thông tin, dự báo tình hình thị trường thế giới, xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường.
- Trân trọng cảm ơn ông!