Chính trị

Phiên họp thứ 27 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024

Theo TTXVN 16/10/2023 - 11:40

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, sáng 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội.

Các nội dung bao gồm: Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

q1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

* Ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt

Theo Báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó, hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Nổi bật là: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. GDP quý III ước tăng 5,33% so với cùng kỳ (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%).

Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Thu ngân sách nhà nước phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao. Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.

Bên cạnh đó, công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược. Chính phủ cũng chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hài hòa với phát triển kinh tế; nâng cao đời sống nhân dân. Tính chung 9 tháng, thu nhập bình quân của người lao động tăng 6,8% so với cùng kỳ.

Về tình hình giữa kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, sau nửa nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025, nước ta cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước "những cơn gió ngược" và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Nổi bật là Chính phủ tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19; trong đó có những giải pháp "chưa từng có", nhằm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, chuyển hướng kịp thời chiến lược phòng, chống dịch. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Bội chi ngân sách nhà nước 3 năm ước ở mức 3,6% GDP (đã bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội), trong phạm vi mục tiêu đề ra (3,7% GDP). Các chỉ tiêu an toàn nợ công 3 năm 2021-2023 dự kiến đều trong giới hạn cho phép...

Theo Báo cáo của Chính phủ, việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản bám sát mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 31/2021/QH15 của Quốc hội. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm bị tác động không nhỏ.

thongdoc.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

* Một số điểm nghẽn chưa tháo gỡ hiệu quả

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực.

Bên cạnh kết quả đạt được, cơ quan thẩm tra cho rằng, dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài... Một số ý kiến cho rằng, cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải carbon, kinh tế tuần hoàn.

chutich3.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bên cạnh đó, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù, mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm, nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21-9 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao. Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, bạo lực học đường, mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học vẫn diễn ra phức tạp. Tình trạng lạm thu đầu năm học, lạm thu "quỹ phụ huynh" gây bất bình cho phụ huynh. Số người rút bảo hiểm xã hội tăng cao. Công tác phòng, chống cháy nổ gặp nhiều thách thức, nhiều vụ cháy xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Về tình hình giữa kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, cơ cấu kinh tế chưa có nhiều thay đổi. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Công tác quy hoạch không đạt được các mục tiêu, yêu cầu. Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm...

Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, đặc biệt, trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, tính bất định cao; dự kiến hoàn thành 10/27 mục tiêu, chỉ tiêu (chiếm 37%). Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung đánh giá làm rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan việc dự kiến khó hoàn thành 13/27 mục tiêu, chỉ tiêu, bởi đây đều là những mục tiêu quan trọng liên quan tới cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, năng suất lao động, phát triển thị trường tài chính, thị trường đất đai, khoa học công nghệ, phát triển doanh nghiệp, lao động. Đồng thời, cần bổ sung 4 chỉ tiêu chưa có thông tin đánh giá...

toancanh-qh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

* Tăng cường năng lực nội sinh

Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2024-2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp. Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu sẽ rất khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá hơn nữa, như chỉ tiêu GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế...

Về năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP, cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán ngân sách nhà nước, cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và đến cuối nhiệm kỳ 2021-2025, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong đó, tăng cường năng lực nội sinh, củng cố nền tảng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế; tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công thực chất, hiệu quả; tập trung vốn cho các công trình trọng điểm, không để tình trạng dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả.

chutich.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn /TTXVN

Các nhiệm vụ tiếp theo là tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế; bảo đảm sự đồng bộ trong xây dựng pháp luật, thể chế, cơ chế, chính sách, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chính phủ cần quyết liệt khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực như công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp, những dự án thua lỗ kéo dài, những ngân hàng, doanh nghiệp có vi phạm, đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, khả năng tiếp cận, năng lực hấp thụ vốn và lao động...