Giáo dục

Các trường đại học trong Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo: Tăng cường vai trò tiên phong

Trần Nhân 16/10/2023 - 08:42

Một trong những hướng đi quan trọng để Việt Nam tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội là phải phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Trong quá trình này, các trường đại học đóng vai trò quan trọng.

sinh-vien-tru-ng-i-h-c-kh.jpg
Sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Vai trò của các trường đại học còn mờ nhạt

Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam hình thành và phát triển tương đối nhanh, đặc biệt sau khi Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg (Đề án 844).

Hiện nay, cả nước có khoảng 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh hoạt động. Nhiều trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh sự thành công, hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.

Một trong các nguyên nhân, theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK-Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội), Chủ tịch Hiệp hội Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội (HANISA) là do vai trò của các trường đại học Việt Nam trong Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam còn mờ nhạt.

“Lý do của việc trong hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, các trường đại học Việt Nam chưa tạo được các công ty spin-off, startup thành công như tại các nước tiên tiến, theo tôi là vấn đề về tư duy, là sự nhận thức chưa đầy đủ tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ. Hầu hết các trường đại học chỉ mới dừng lại tập trung ở hoạt động đào tạo. Các khái niệm về đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ còn khá xa lạ và chưa được quan tâm đúng mức.

Ngoài ra, còn phải kể đến việc thiếu nguồn lực về con người (thiếu đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp về đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ) và nguồn lực về cơ sở vật chất (các khu chế thử, sản xuất thử nghiệm...) để hoàn thiện và kiểm thử sản phẩm trước khi thương mại hóa. Chính vì vậy, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học bị xếp vào ngăn kéo”, Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng lý giải.

Theo đánh giá, hiện nay, hoạt động đổi mới sáng tạo khởi nghiệp tại đại đa số các trường đại học ở Việt Nam còn hạn chế về mô hình tổ chức. Nhận thức của sinh viên, giảng viên và nhà trường chưa cao. Sự hỗ trợ khởi nghiệp của các bên liên quan chưa tốt, đặc biệt chưa có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường; thiếu thông tin, cơ chế cũng như hành lang pháp lý cho quá trình khởi nghiệp dựa vào đổi mới sáng tạo.

Nhiều trường chỉ có “Phòng Quản lý nghiên cứu” hoặc “Phòng Khoa học công nghệ”, tập trung cho việc quản lý đề tài nghiên cứu do Nhà nước tài trợ (cơ chế xin - cho) mà chưa có tư duy nghiên cứu định hướng thị trường, tư duy thiết kế (cốt lõi của đổi mới sáng tạo), chưa có các tổ chức trung gian trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp chuyên nghiệp, như: Văn phòng chuyển giao công nghệ (TTO), văn phòng cấp phép li-xăng (TLO), doanh nghiệp thuộc trường đại học, Vườn ươm, Trung tâm Đổi mới sáng tạo…

Cần có giải pháp đồng bộ

Theo các chuyên gia, để phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần có sự đồng bộ từ hành lang pháp lý, chính sách, nguồn lực tài chính, đến cơ sở vật chất, nguồn lực con người.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất cho rằng, mức chi cho các chuyên gia trong nước và nước ngoài rất thấp và thiếu. Việc đưa các startup trong nước ra nước ngoài và ngược lại chưa có cơ chế hỗ trợ. Việc góp vốn vào các quỹ, quy định quản lý bảo toàn vốn của doanh nghiệp khi sử dụng vốn cũng đang thiếu, vướng quy định pháp luật về bảo toàn vốn.

Trong khi đó, Nghị định số 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học đưa ra nhiều quy định tốt, liên kết trường đại học, doanh nghiệp, tập đoàn, quỹ nhưng chưa có hướng dẫn chi tiết; luồng xanh cho thủ tục sở hữu trí tuệ vẫn chưa cụ thể… “Đây là những điểm chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện. Và hy vọng việc sửa Luật Khoa học và Công nghệ trong giai đoạn tới có thể đưa vào những chính sách có thể triển khai được”, ông Phạm Hồng Quất nói.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng cho rằng, phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp bao gồm Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp và các trường đại học với sự tham gia của sinh viên, giảng viên sẽ là một phương thức phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam một cách toàn diện. Để thực hiện điều này thì các trường đại học phải thực hiện vai trò tiên phong trong đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nhằm cung cấp cho xã hội những nhân tố được trang bị tư duy và kỹ năng cần thiết cùng kết quả nghiên cứu mang tính ứng dụng, giải quyết bài toán cụ thể cho thị trường, mang lại giá trị cho xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích sự sáng tạo, đặc biệt là các tài năng trẻ từ các trường đại học, viện nghiên cứu, đồng thời có chính sách đặc biệt để hỗ trợ họ phát triển ý tưởng sáng tạo trở thành sản phẩm thương mại hóa.