Chính trị

Kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023): Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội

Phan Thế Hải 16/10/2023 - 08:38

Với Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện tình cảm trân trọng, mối quan tâm sâu sắc và thiết tha mong muốn Hà Nội phát triển, tỏa sáng. Điều này một phần do vị trí đặc biệt của Hà Nội với cả nước, một phần do tầm nhìn của người lãnh tụ vĩ đại với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

bacho.jpg
Bác Hồ tát nước chống hạn với bà con nông dân ở cánh đồng Quang Tó, xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì, Hà Nội (12-1-1958). Ảnh: Tư liệu

Vị trí đặc biệt của Hà Nội

Trong tác phẩm văn vần “Lịch sử nước ta” viết ở Việt Bắc năm 1941, Nguyễn Ái Quốc có những câu xúc động để ghi ơn nhà Lý và Lý Công Uẩn: “Công Uẩn là bậc phi thường/ Dựng lên nhà Lý cầm quyền nước ta/ Mở mang văn hóa nước nhà/ Đắp đê để giữ ruộng nhà cho dân...”. Khi viết những câu này, hẳn Người đã suy ngẫm kỹ về vị thế của Thăng Long - Hà Nội.

Thăng Long - Hà Nội không chỉ là trung tâm của một vùng đồng bằng màu mỡ, nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, đầu mối giao thương, dân cư đông đúc, mà còn là cơ sở hậu cần vững chắc phục vụ quốc phòng. Ngoài phát triển nông nghiệp, nét đặc trưng của Thăng Long là nơi quy tụ các nghề tinh xảo khắp các vùng miền để lập nên “36 phố phường” ở đất Kẻ Chợ, trở thành nơi giao lưu kinh tế, văn hóa giữa kinh đô Đại Việt với không chỉ vùng châu thổ rộng lớn mà còn với cả nước và các nước trên thế giới.

Là kinh đô/ Thủ đô ngàn năm tuổi, Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ của kẻ sĩ bốn phương, đặc biệt là trong thời đại Hồ Chí Minh. Có rất nhiều trí thức uy tín ở Hà Nội như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng, Phạm Khắc Hòe... được Bác Hồ trân trọng giao nhiều trọng trách trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Kế thừa và phát huy truyền thống trọng dụng hiền tài lên tầm cao mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tập hợp được lực lượng nhân sĩ trí thức hùng hậu, góp phần quan trọng quyết định trực tiếp đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

“Đầu tàu” của cả nước

Do vị trí đặc biệt của Hà Nội, xác định vị trí “đầu tàu”, “gương mẫu” của Hà Nội, nơi mà “cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn làm sao để Hà Nội thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, khỏe cả về vật chất và tinh thần.

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Người đã thường xuyên quan tâm, động viên đồng bào, chiến sĩ Hà Nội. Bác viết thư gửi các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô (tháng 1-1947 và tháng 2-1948), Đội du kích Thủ đô (tháng 2-1949)... Tháng 5-1949, Người viết thư gửi đồng bào Hà Nội: “Đồng bào trong và ngoại ô Hà Nội đang đương đầu với giặc Pháp trước hết, lâu hơn hết. Vì vậy mà hy sinh, đau đớn, cực khổ nhiều hơn hết. Mà cũng trung thành, gan góc, kiên quyết hơn hết. Đồng bào Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc. Ngày nay chịu đựng càng nhiều, mai sau kết quả càng to...”.

Ngày 10-10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến đồng bào Hà Nội lời kêu gọi nhân Ngày Giải phóng Thủ đô. Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do quân và dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui không xiết kể”. Tiếp đó, Người kêu gọi nhân dân Thủ đô “cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống vật chất và tinh thần của Thủ đô ta”, “toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt qua mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Trong 15 năm sống và làm việc tại Hà Nội (từ Ngày Giải phóng Thủ đô đến khi Bác mất), cứ mỗi dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Người luôn dành thời gian đi thăm, chúc Tết đồng bào, chiến sĩ Thủ đô. Đặc biệt là những đêm giao thừa, Người thường bất ngờ đến thăm hỏi, động viên người lao động, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà không báo trước. Mỗi gia đình được Bác đến thăm hoặc những người có cơ hội gặp Bác ai cũng cảm nhận được tấm lòng nhân ái, sự quan tâm chu đáo và tình thương bao la vô bờ bến của Người. Đó là những kỷ niệm không bao giờ phai trong ký ức của người Hà Nội.

Không chỉ quan tâm đến công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, Người còn chú trọng tới sự nghiệp bảo vệ Hà Nội. Từ những ngày đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, Bác đã nghĩ đến việc bảo vệ không phận Hà Nội. Trong cuốn “Bảo vệ bầu trời Tổ quốc” (NXB Thanh niên, 2005), tác giả Mai Đông Hải, nguyên cán bộ chính trị Đại đội 612 nhớ lại: “Bác nói: Hà Nội chưa có pháo cao xạ như nhà chưa có nóc. Rồi Bác nhận định: Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu sau khi thua trận trên bầu trời Hà Nội”.

Trước khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh leo thang đánh phá Hà Nội, ngày 17-5-1965, Đại đội 1, Trung đoàn pháo phòng không 234 vinh dự được đón Bác đến thăm. Bác khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”. Lời dạy của Bác chính là mệnh lệnh của Tổ quốc, là ý chí của dân tộc để Quân chủng Phòng không - Không quân và quân dân Thủ đô quyết chiến, quyết thắng. Và, những tổn thất to lớn của không quân Mỹ trên bầu trời Hà Nội đã khiến chính quyền Mỹ phải chấp nhận ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, đúng như nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Di sản Hồ Chí Minh gắn liền với Hà Nội

Hà Nội là nơi ghi đậm những dấu mốc lịch sử quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những ngày cuối tháng 8-1945, tại nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người đã soạn thảo “Tuyên ngôn Độc lập”. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người thay mặt Chính phủ lâm thời đọc “Tuyên ngôn Độc lập” trước quốc dân đồng bào: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Ngày 19-12-1946, tại hang Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” qua Đài Tiếng nói Việt Nam: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Câu nói ấy đã ngân vang đến mọi miền đất nước và đi vào tâm thức của mỗi người Việt Nam như lời hiệu triệu của non sông đất nước. Trong những ngày không quân Mỹ đánh phá ác liệt, tại Hà Nội ngày 17-7-1966, Bác Hồ đã soạn thảo và đọc “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước”, khẳng định quyết tâm chống Mỹ cứu nước của dân tộc: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Rồi cũng ở Hà Nội, Bác đã viết những dòng Di chúc trước lúc đi xa, để lại muôn vàn tình thương yêu cho đất nước, dân tộc Việt Nam.

Với vị trí địa lý và vai trò đặc biệt của mình, Hà Nội vinh dự, tự hào là một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, được Người dành sự quan tâm đặc biệt, có nhiều địa danh in dấu chân Người. Các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, nhân sĩ trí thức đến cán bộ chiến sĩ bộ đội, dân quân tự vệ, đồng bào tôn giáo, dân tộc, các cụ phụ lão, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng... đều được Bác gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, khuyên nhủ ân cần. Các bài nói, bài viết hay những chuyến thăm hỏi của Người đều để lại dấu ấn không thể nào quên. Và không chỉ có vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện tấm lòng trân trọng, biết ơn, mối quan tâm sâu sắc, đầy tình nhân ái và thiết tha mong muốn Thủ đô Hà Nội sẽ trở thành một địa danh tỏa sáng khắp bốn biển, năm châu.