Chính trị

Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028: Xứng đáng là tổ chức đại diện của người lao động

Hà Phong 16/10/2023 - 06:44

Cùng với sự phát triển của thành phố Hà Nội, phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động Công đoàn Thủ đô cũng có bước chuyển mạnh mẽ với nhiều đổi mới, sáng tạo, đạt được những kết quả nổi bật, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và đất nước. Công đoàn Thủ đô xứng đáng là tổ chức đại diện của người lao động.

cong-doan-th-do-cham-lo-s-.jpg
Công đoàn Thủ đô chăm lo sức khỏe cho nữ công nhân lao động.

Không ngừng sáng tạo, đổi mới

Nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Thủ đô không ngừng sáng tạo, năng động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở. Trong đó, Chương trình số 02/CTr-LĐLĐ ngày 18-9-2018 của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về “Đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm đáp ứng yêu cầu hoạt động trong tình hình mới” trở thành “kim chỉ nam” để Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội từng bước xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cùng với chú trọng yếu tố con người để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thời gian qua các phong trào thi đua yêu nước được Công đoàn Thủ đô đẩy mạnh, trọng tâm là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”. Từ các phong trào này, đã động viên, khai thác tiềm năng, trí tuệ, tâm huyết của từng công nhân, lao động trong nghiên cứu, sáng tạo; xuất hiện hàng trăm nghìn “cây sáng kiến” trong lao động, sản xuất. Gần đây nhất, hưởng ứng Chương trình 1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19, các cấp Công đoàn Thủ đô đã cập nhật 200.000 sáng kiến, vượt chỉ tiêu 320%, đứng thứ hai cả nước về số lượng sáng kiến được cập nhật.

Một nỗ lực rất đáng ghi nhận nữa là nhiệm kỳ qua, dịch Covid-19 kéo dài gây tác động lớn đến đời sống, việc làm của người lao động. Công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo như: Xe buýt siêu thị 0 đồng; tổ ứng phó khẩn cấp, thương lượng, ký kết các thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp để cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và người lao động với giá ưu đãi từ 10% đến 50%... góp phần cùng hệ thống chính trị, doanh nghiệp thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, hằng năm Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phối hợp với UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với công nhân, cán bộ Công đoàn cơ sở. Gần đây nhất, sau hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành văn bản chỉ đạo các ban, ngành chức năng thực hiện đề xuất, kiến nghị đối với vấn đề nhà ở - mối quan tâm lớn nhất của công nhân.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch... Các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng. Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng/người/tháng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội..., góp phần ổn định đời sống và yên tâm lao động, sản xuất.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Qua đó, phát hiện và kiến nghị xử lý các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi cho hàng nghìn lao động. Trong 5 năm, có 75 bộ hồ sơ của công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội tòa án tiếp nhận. 121 doanh nghiệp trả nợ hết bảo hiểm xã hội, 177 doanh nghiệp tự giác nộp một phần số nợ, tổng số tiền thu nợ đọng bảo hiểm xã hội là 115 tỷ đồng.

Tiếp tục hướng về cơ sở, lấy người lao động làm trung tâm

Theo khảo sát của tổ chức Công đoàn, hiện nay trình độ tay nghề của công nhân, viên chức, lao động Thủ đô đang ngày càng tiến bộ. Song, đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với hàng loạt những đột phá khoa học và tiến bộ công nghệ sẽ tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động. Cùng với sự phát triển về công nghệ, trí tuệ thông minh nhân tạo cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động, cơ cấu lao động cùng nhiều hoạt động khác. Chính vì vậy, nhiệm kỳ 2023-2028, Công đoàn Thủ đô xác định tiếp tục đổi mới, hướng về cơ sở, lấy người lao động, đoàn viên làm trung tâm.

Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố yêu cầu các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở dành thời gian đi cơ sở, đến với công nhân, nơi có nhiều khó khăn theo phương châm “Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”; chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền, cơ quan chuyên môn cùng cấp, chủ doanh nghiệp để tổ chức, phát động và đổi mới các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, lao động. Nội dung, hình thức thi đua phải thiết thực, gắn với nhiệm vụ trọng tâm, phù hợp với từng khu vực, đối tượng và điều kiện thực tiễn; hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khơi dậy sự sáng tạo trong lao động; tôn vinh các mô hình, sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công nhân, người lao động để sẵn sàng tiếp cận với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tri thức mới, đáp ứng yêu cầu; coi trọng việc tham gia xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở để người lao động phát huy quyền làm chủ trên mọi lĩnh vực. Đồng thời, đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; quan tâm tới đối tượng trực tiếp lao động sản xuất; tiếp tục chăm lo tốt hơn nữa đến đời sống của đoàn viên, người lao động, nhất là đoàn viên khó khăn về nhà ở.

Các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội cũng sẽ chú trọng và đẩy mạnh hơn nữa hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; xây dựng các thiết chế văn hóa, khu vui chơi thể thao, đáp ứng nhu cầu của công nhân, lao động nói chung và công nhân, lao động ở các khu công nghiệp nói riêng. Đồng thời, chú trọng xây dựng, củng cố tổ chức Công đoàn thực sự phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của người lao động, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hoạt động của hệ thống chính trị. Trong nhiệm kỳ mới, các cấp Công đoàn sẽ thực hiện nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả trong việc phát triển các tổ chức Công đoàn, kết nạp đoàn viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hôm nay (16-10), Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, với sự tham gia của 550 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của trên 664.000 đoàn viên Công đoàn Thủ đô. Trong 2 ngày làm việc, Đại hội có nhiệm vụ thảo luận, thông qua báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố nhiệm kỳ 2018-2023; quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp nhiệm kỳ 2023-2028; thảo luận, tham gia ý kiến xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Văn kiện Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028; tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Đại hội sẽ bầu Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội khóa XVII và bầu đại biểu đi dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; đồng thời đề xuất, kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội, các cấp ủy, chính quyền về những vấn đề có liên quan đến nâng cao hiệu quả chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn.