Nâng cao hiệu quả của hầm và cầu đi bộ
Hầm và cầu vượt đi bộ là một loại công trình giao thông hiện đại dành riêng cho người đi bộ ở các đô thị để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay cho thấy, một số hầm, cầu đi bộ chưa phát huy được hiệu quả do ý thức tham gia giao thông của người đi bộ còn thấp.
Biết nguy hiểm, vẫn ngó lơ
Hầm và cầu đi bộ được xây dựng chủ yếu tại các nút giao thông đông đúc hoặc khu vực bến xe để cho người đi bộ sang đường an toàn, tránh phải băng cắt qua dòng xe đông đúc có thể gây ùn tắc giao thông hoặc tai nạn. Tính đến nay, Thành phố đã, đang đầu tư xây dựng hơn 70 cầu bộ hành cho người đi bộ. Chi phí xây dựng mỗi cầu từ 3 - 5 tỷ đồng, có cầu kinh phí xây dựng thậm chí còn cao hơn. Đa phần các cây cầu khi đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm tai nạn và ùn tắc giao thông.
Tuy nhiên, tại một số nơi, hầm và cầu dành cho người đi bộ vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Theo ghi nhận của phóng viên, nguyên nhân chủ yếu đến từ thói quen tham gia giao thông khá tùy tiện của người đi bộ. Cho dù phải băng qua đường trước dòng xe rất đông nhưng hầu hết người tham gia giao thông đều ưu tiên cho sự qua đường nhanh chóng hơn là bảo đảm an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông khác.
Những con đường có mật độ phương tiện tham giao giao thông lớn như Nguyễn Trãi, Phạm Hùng, Xuân Thủy... có nhiều cầu đi bộ nhưng tình trạng người dân bất chấp nguy hiểm băng qua đường vẫn rất phổ biến. Mặt khác, nguyên nhân khiến nhiều người đi bộ phải băng qua đường còn là do một số vị trí rất cần cầu đi bộ thì lại chưa có, như khu vực bến xe Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát, cổng Trường Đại học Y Hà Nội...
Ngoài ra, cũng phải kể đến một vài nguyên nhân khách quan khiến người đi bộ ngại sử dụng hầm đi bộ. Anh Nguyễn Văn Xuân (Phú Xuyên), một người lái xe ôm ở khu vực bến xe Mỹ Đình cho biết: “Đa phần người dân thường chọn băng qua đường là do hầm, cầu đi bộ đưa vào sử dụng được một thời gian là có dấu hiệu xuống cấp, mất vệ sinh, tối tăm, có nơi bị ngập nước khi trời mưa to, mưa lâu. Ở một số cây cầu đi bộ, bậc thang được làm quá cao làm khó người già, người khuyết tật. Bên cạnh đó, một số hầm, cầu đi bộ thành nơi trú ngụ của người vô gia cư, thành nơi để một số đối tượng rình rập đe dọa, trấn lột người đi bộ - cho dù tình trạng này giờ đã giảm hẳn nhưng người dân vẫn còn tâm lý e ngại”.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hữu Trọng, một người dân sống gần khu vực cầu bộ hành trên đường Trần Khát Chân chia sẻ: “Điểm đặt cầu bộ hành ở đây chưa thực sự sát với yêu cầu thực tế. Cầu được xây dựng ngay cạnh nút giao Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu, nơi có hệ thống đèn tín hiệu giao thông, nền đường có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ nên hầu hết người dân giữ thói quen đợi đèn tín hiệu giao thông thay vì sử dụng cầu bộ hành, điều này thực sự chưa phát huy được hiệu quả của cầu đi bộ”.
Nâng cao ý thức của người dân
Chuyên gia giao thông Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Nguyên nhân chủ yếu khiến một số hầm, cầu đi bộ chưa thu hút được người dân vẫn là do ý thức tham gia giao thông của nhiều người còn chưa cao, thói quen tiện đâu đi đấy còn phổ biến. Nghị định số 100/2019 của Chính phủ đã quy định mức xử phạt vi phạm hành chính từ 60.000 - 100.000 đồng đối với người đi bộ không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, với mức xử phạt cao nhất là 100.000 đồng thì tính răn đe không cao. Trên thực tế, lực lượng chức năng thường chỉ nhắc nhở chứ chưa xử phạt, và cơ quan chức năng cũng không đủ lực lượng để thực hiện giám sát 24/24 giờ để xử phạt”.
Trong thực tế, còn có một nguyên nhân khác khiến hầm và cầu bộ hành chưa thu hút người dân, đó là vì nhiều hầm đi bộ ở nước ta chỉ là công trình giao thông riêng rẽ, chưa có nhiều sự kết nối với các tòa nhà và chủ yếu phục vụ chức năng giao thông. Ở các nước phát triển, hầm đường bộ thường được kết nối với siêu thị, khu vui chơi, trung tâm thương mại, nhà ga, bãi đỗ xe... và tạo ra sức hút sử dụng hầm đi bộ đối với người dân.
Bên cạnh đó, đặc thù của hầm đi bộ là được xây dưới lòng đất nên không phải người đi bộ nào cũng dễ dàng quan sát thấy. Vì vậy, khi xây dựng hầm đi bộ, đơn vị thi công cần lắp thêm các biển chỉ dẫn, tăng cường tuyên truyền để người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng. Ngoài ra, cần lắp đặt hệ thống camera giám sát ở tất cả các hầm và duy trì tốt sự hoạt động của hệ thống này, thậm chí cần lắp camera ở cả cầu đi bộ để giúp người dân an tâm hơn khi đi qua hầm lúc vắng người hoặc khi trời tối.
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng thành phố Hà Nội cho biết: “Người tham gia giao thông khi đi qua đường thường chọn phương án tiện nhất, dễ nhất mà không sử dụng cầu, điều đó thể hiện tâm lý coi thường sự an toàn của bản thân, không tính đến rủi ro va chạm có thể xảy ra. Theo tôi, biện pháp quan trọng là cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để cho mọi người dân thấy cần phải chấp hành Luật Giao thông. Chúng ta có thể ghi lại những hình ảnh giao thông chưa đúng quy định để phục vụ công tác tuyên truyền. Cùng với đó, lực lượng chức năng cần có biện pháp xử lý hành chính quyết liệt, cứng rắn hơn”.