Ngược xuôi văn nghệ: Lối ứng xử khó chấp nhận
Mấy ngày qua, làng âm nhạc xôn xao chuyện về một nhóm, trong đó có những ca sĩ trẻ, sinh viên thanh nhạc theo đuổi dòng nhạc opera đã phát ngôn trên mạng xã hội chê bai, bình phẩm khiếm nhã về thế hệ nghệ sĩ đi trước, từ các nghệ sĩ lão làng đến các nghệ sĩ sáng giá hàng đầu của làng opera Việt hiện nay, thậm chí cả những người đã từng tận tình chỉ bảo, hướng dẫn, coi họ như học trò.
Điều này gây tổn thương cho không ít người làm nghề chân chính.
Chưa hết, sau khi bị giới nghề, báo chí, truyền thông phê phán, một trong những ca sĩ trẻ của nhóm trên đăng bài xin lỗi trên trang Facebook cá nhân. Tiếc là lời xin lỗi của ca sĩ này không dành cho người đã bị tổn thương - người có nhiều chứng cứ về việc đã hướng dẫn, chỉ bảo để ca sĩ này đi đến thành công nhất định…
Xét về mọi mặt, những hành động trên khó chấp nhận đối với bất cứ ai, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, có ảnh hưởng rộng, tác động và thu hút sự quan tâm của công chúng, dễ được các bạn trẻ bắt chước, học theo. “Tiên học lễ, hậu học văn”, phải học làm người tử tế, nhân ái, khiêm tốn, biết ơn… trước rồi mới học làm nghề. Trong trường hợp này, một số bạn trẻ hoạt động nghệ thuật đã quên đi những đạo lý đó.
Về mặt quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nêu những yêu cầu cụ thể về ứng xử, như trân trọng thế hệ nghệ sĩ đi trước; tôn trọng, bảo vệ uy tín của đồng nghiệp trước công chúng, khán giả và xã hội; đoàn kết giúp đỡ nhau phát huy tài năng; không gây mâu thuẫn, tổn hại đến uy tín, quyền lợi hợp pháp của đồng nghiệp…. Vậy mà một số người cố ý bỏ qua.
Với những cá nhân này, công chúng nên có thái độ lên án quyết liệt và cơ quan quản lý cần có biện pháp xử lý mạnh hơn, để tạo môi trường nghệ thuật lành mạnh.