Điểm nóng

Xung đột ở Trung Đông: Thêm rủi ro cho kinh tế toàn cầu

Thùy Dương 15/10/2023 - 06:59

Nền kinh tế thế giới “mất đà” do tác động của lãi suất cao, cuộc xung đột Nga - Ukraine và những rạn nứt địa chính trị ngày càng gia tăng, đồng thời phải đối mặt với sự bất ổn mới từ cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.

Giống như các cuộc chiến ở Trung Đông trong quá khứ, cuộc xung đột Israel - Hamas có khả năng làm gián đoạn, thậm chí khiến nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nếu có thêm nhiều quốc gia tham gia.

gaza.jpg
Thị trường dầu thế giới đã chịu tác động ngay khi xung đột tại Dải Gaza xảy ra.

Các nhà phân tích nhận định nguy cơ đó là có thật, khi số người thiệt mạng vì cuộc tấn công của Hamas và các cuộc không kích đang diễn ra của Israel vào Gaza đã lên tới hàng nghìn người.

Có những lo ngại rằng, lực lượng dân quân ở Lebanon và Syria ủng hộ Hamas sẽ tham gia chiến đấu. Trong khi đó, Mỹ đang điều động một nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực này để thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh Israel. Theo các chuyên gia, tất cả những điều này làm tăng nguy cơ xung đột có thể lan rộng. Khi thế giới theo dõi những sự kiện đó trong nỗi kinh hoàng, giá dầu đã tăng tới 5 USD/thùng và đồng tiền của Israel, đồng shekel, chìm xuống mức thấp nhất trong 7 năm. Chủ tịch Trung tâm Đổi mới quản trị quốc tế ở Waterloo (Canada) Paul Samson cho biết: “Bất cứ điều gì ở Trung Đông cũng luôn có nguy cơ lan rộng, ảnh hưởng đến thế giới”.

Bất ổn tái diễn ở Trung Đông và các vấn đề liên quan đang trở thành nội dung thảo luận chính trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu tham dự Hội nghị thường niên mùa thu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Marrakesh (Morocco). Cuộc họp thường niên và những dự báo của nó đều bị lu mờ bởi cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở miền Nam Israel và Gaza.

Trong cuộc họp báo tại hội nghị, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nhận định, những cú sốc nghiêm trọng đang trở thành “điều bình thường mới” trong nền kinh tế toàn cầu có đặc điểm là tăng trưởng yếu, sự phân mảnh kinh tế và sự phân hóa ngày càng sâu sắc, với lãi suất dự kiến sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát dai dẳng. Do đó các nước cần linh hoạt trong việc dự đoán các cú sốc và phản ứng nhanh chóng.

Trên thực tế, thị trường dầu mỏ và chứng khoán đã chịu tác động ngay lập tức từ xung đột tại Trung Đông. Mặc dù giá dầu đã giảm nhẹ trước đó, nhưng trong phiên giao dịch những ngày gần đây, giá loại hàng hóa này đã tăng 4%. Vì xung đột xảy ra tại khu vực sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới nên phản ứng của các nước như Iran, Arab Saudi sẽ được theo dõi chặt chẽ vì nó có thể gây ra đợt tăng giá mới.

“Thị trường lo ngại tình hình Trung Đông sẽ như một quả bom nổ chậm. Trong trường hợp căng thẳng leo thang, có thể eo biển Hormuz sẽ bị đóng cửa, khiến việc vận chuyển dầu khó khăn. Giá dầu tăng vọt thì giá các loại hàng hóa khác sẽ tăng theo. Chúng ta sẽ lại đối mặt với nguy cơ lạm phát”, chuyên gia phân tích Robert Halver của Ngân hàng Baader Bank cho biết.

Giá dầu liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trên khắp thế giới. Nếu giá dầu thô tăng, điều đó có nghĩa là người tiêu dùng phải trả nhiều tiền hơn. Giá trái phiếu đã tăng kể từ cuối tuần khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn như trái phiếu kho bạc Mỹ và trái phiếu Đức.

Rõ ràng, những diễn biến từ Trung Đông thúc đẩy hoạt động mua tài sản trú ẩn an toàn khiến đồng USD và giá vàng của Mỹ tăng, trong khi chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,9% vào năm 2024 từ mức dự kiến 3% trong năm nay. Cuộc chiến giữa Israel và Hamas gây ra những rủi ro mới cho nền kinh tế toàn cầu vốn đã mong manh, và các nhà kinh tế cảnh báo rằng, có thể phải mất một thời gian nữa mới thấy rõ hậu quả.