Nghị quyết và Cuộc sống

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn: Xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận trọng dân, gần dân

Hương Ly thực hiện 15/10/2023 - 06:39

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2023), Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới.

Đồng chí khẳng định, công tác dân vận sẽ được triển khai trên tinh thần chủ động, gắn bó chặt chẽ với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị. Cùng với đó, ngành Dân vận sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”.

dan-van-1.jpg
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đỗ Anh Tuấn. Ảnh: Quang Thái

Gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua

- Từ truyền thống vẻ vang của ngành Dân vận, công tác dân vận của Đảng bộ thành phố Hà Nội đã phát huy vai trò như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ, thưa đồng chí?

- Ngày 15-10-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, dưới bút danh X.Y.Z. Bài báo chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Chính vì vậy, vào tháng 10-1999, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Dân vận”, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã đồng ý lấy ngày 15-10-1930 là Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời Bác Hồ dạy về công tác dân vận.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta luôn xác định dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, qua đó góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, huy động sức mạnh của các giai tầng.

Cùng với truyền thống công tác dân vận cả nước, công tác dân vận và cán bộ làm công tác dân vận của thành phố Hà Nội luôn phát huy hào khí Thăng Long - Hà Nội, là lực lượng tham mưu cho Đảng bộ thành phố về công tác dân vận. Công tác dân vận của Đảng bộ thành phố đã góp phần quan trọng vào việc củng cố sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô.

Hệ thống dân vận toàn thành phố và cán bộ dân vận từ thôn, xóm, khu dân cư, tổ dân phố đã phát huy tinh thần trách nhiệm, thực hiện phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”, gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước; là những tấm gương thiết thực, gần gũi để giải thích và vận động nhân dân tin tưởng, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.

- Công tác dân vận của Đảng bộ thành phố được đánh giá là ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực. Nhận xét này có đúng không, thưa đồng chí?

- Đúng vậy. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Việc triển khai thực hiện Chương trình hành động đã giúp công tác dân vận của Đảng bộ thành phố ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Vị thế, vai trò của ngành Dân vận tiếp tục được nâng lên.

Với phương châm, cách làm từng bước vững chắc, triển khai từ trong Đảng, trong cán bộ, sau đó mở rộng ra nhân dân, nhân ra diện rộng, thành phố đã rút ra nhiều kinh nghiệm hay, sáng tạo, nhất là việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình mới theo Chỉ thị số 10-CT/TƯ của Ban Bí thư (khóa IX), như: Quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản; quản lý xây dựng, trật tự đô thị; trong quản lý chợ, trường học ngoài công lập; trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo…

dan-van-2.jpg
Tổ dân phố 23 phường Trung Liệt (quận Đống Đa) triển khai mô hình “Tổ dân phố kiểu mẫu”. Ảnh: Hoàng Lan

Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động

- Phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Thủ đô phát triển mạnh mẽ với nhiều mô hình hay, cách làm mới, góp phần giải quyết “việc nóng, việc khó” của địa phương. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về kết quả này?

- Toàn thành phố có hơn 10.000 mô hình “Dân vận khéo” được đăng ký thực hiện hằng năm. Tính riêng năm 2023, tổng số mô hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp thành phố được đăng ký triển khai là 13.663 mô hình. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Dân vận Thành ủy đã tổng hợp, đề xuất UBND thành phố khen thưởng 70 mô hình dân vận khéo tiêu biểu. Qua triển khai phong trào thi đua dân vận khéo, nhiều “việc mới, việc khó” phát sinh ở cơ sở đã được giải quyết. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu đã lan tỏa và góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, như: Mô hình “Thôn thông minh”, mô hình “Tổ dân phố kiểu mẫu”, mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn”, mô hình “Nhà tôi có bình chữa cháy”, mô hình “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”…

Đáng chú ý, Ban Dân vận Thành ủy đã phát huy tinh thần chủ động trong tham gia thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô bằng những việc làm cụ thể, như: Khảo sát, nắm tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy về tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; chủ trì, tổ chức hội nghị phát động, ký kết giao ước thi đua về công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đối với 7 quận, huyện có đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua; tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm, ký kết kế hoạch phối hợp thực hiện công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô với Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh, Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên, góp phần tạo đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân về giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

- Thời gian tới, công tác dân vận tại Thủ đô Hà Nội sẽ được đổi mới như thế nào để đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay, thưa đồng chí?

- Quá trình lịch sử hơn 90 năm oanh liệt, hào hùng, trong đó có 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn quán triệt sâu sắc tư tưởng lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, lấy người dân là chủ thể; coi việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị.

Thời gian tới, Ban Dân vận Thành ủy tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tích cực tham mưu với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, lấy đoàn kết trong Đảng là yếu tố quan trọng nhất, dẫn dắt, định hướng việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngành Dân vận Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trên tinh thần chủ động, gắn bó chặt chẽ với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, đơn vị; đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là của chính quyền các cấp đối với công tác dân vận; thực hiện nghiêm túc Quy chế dân vận của hệ thống chính trị… Cùng với đó là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội; đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân…

Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo”; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp trong việc thực hiện công tác dân vận; xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với nhân dân.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!