Quy hoạch

Điều chỉnh quy hoạch Thủ đô: Cơ hội phát triển xứng tầm thời đại mớiBài cuối: Mở ra hướng phát triển mới

Bảo Hân 15/10/2023 - 06:35

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 thời gian qua đã thu hút sự quan tâm đóng góp ý kiến của các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc. Nhiều kỳ vọng, mong muốn cũng như cơ hội phát triển mới được gửi gắm sau khi đồ án quy hoạch điều chỉnh này hoàn thành.

quy-hoach-thu-do.jpg
Trong định hướng thành quận, huyện Đông Anh sẽ được bổ sung các chức năng mới đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị. Ảnh: Quang Thái

Mô hình “Thành phố trong thành phố”

Thời điểm hiện nay, Hà Nội đang bước sang giai đoạn mới, với vai trò gánh vác, dẫn dắt nền kinh tế cả nước phát triển. Thực tiễn đang đặt ra nhiều yêu cầu mới cho Thủ đô và một trong những yêu cầu đó chính là Quy hoạch Thủ đô nói chung và Quy hoạch chung Thủ đô nói riêng cần được lập, điều chỉnh đáp ứng hỗ trợ cho mục tiêu phát triển chung của Hà Nội và quốc gia.

KTS Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) - đơn vị tư vấn thực hiện đồ án thông tin, với quy mô dân số được dự báo sẽ tăng lên khoảng 14 triệu người đến năm 2045, đòi hỏi diện tích không gian và quỹ đất lớn hơn cho Thủ đô phát triển. Do đó, cùng với lộ trình đô thị hóa, định hướng điều chỉnh quy hoạch sẽ nâng cấp khu vực ngoại thành trước đây lên các chức năng của đô thị.

“Chúng ta sẽ từng bước thực hiện các giai đoạn nâng lên đô thị đối với những khu vực dự kiến nằm tách biệt ra khỏi đô thị trung tâm. Những khu vực sát trung tâm được định hướng nâng cấp thành quận như huyện Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng… Với yêu cầu mới, việc nâng cấp không chỉ là chuyện quy mô mà sẽ được bổ sung các chức năng mới nhằm đáp ứng chất lượng phát triển đô thị, lấy con người là trung tâm của phát triển”, KTS Lê Hoàng Phương chia sẻ.

Bày tỏ sự đồng tình khi mô hình phát triển theo chùm đô thị được tiếp tục lựa chọn bởi có nhiều lợi thế và tính thực tiễn, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá cao sự kế thừa có cân nhắc, chọn lọc khi thành phố đã xác định lại hợp lý về quy mô, lộ trình phát triển. Với nguồn lực đầu tư đa dạng, đi kèm chính sách ưu đãi, tạo thuận tiện trong giải phóng mặt bằng sau này, ông kỳ vọng các khu đô thị vệ tinh sẽ tạo thành điểm đến cho doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo.

“Điều chỉnh quy hoạch lần này không chỉ là việc 3 hay 5 huyện lên thành quận mà thành phố đã dần định rõ mô hình “Thành phố trong thành phố”. Đây là mô hình mới, kết hợp với mô hình chính quyền đô thị mà Hà Nội đang thí điểm, có nhiều thuận lợi từ những bài học kinh nghiệm rút ra từ thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh)…

Sau những định hướng điều chỉnh, không gian Thủ đô trong giai đoạn tới sẽ phát triển theo hướng đô thị xanh, bền vững, thông minh, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái và văn hóa truyền thống. Có như vậy, thành phố mới phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa, đáp ứng mức sống và chất lượng cuộc sống cao cho người dân”, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu.

Cùng kỳ vọng về những mô hình phát triển mới, TS.KTS Trương Văn Quảng, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, việc xem xét nghiên cứu phát triển mô hình “Thành phố trong thành phố”, mô hình “đô thị sân bay” sẽ tạo ra cực phát triển mới, năng động, thiết thực, hiệu quả hơn trong quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội. Đây cũng là nhu cầu tất yếu, đồng thời cũng rất phù hợp với tư duy chiến lược tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

Chia sẻ thêm về nội dung này, KTS Lê Hoàng Phương cho rằng, thời điểm hiện nay, việc di dời, chia sẻ các chức năng từ bên trong nội đô ra bên ngoài vẫn cần thiết, vì khu vực nội đô của Hà Nội không có đủ điều kiện để phát triển. Đơn vị tư vấn sẽ xem xét việc di dời ra không gian xung quanh Vành đai 4 hay các thị trấn sinh thái hoặc ra các khu vực được gọi là đô thị vệ tinh trước đây. Thực tế thì cả 5 khu vực này đều là khu vực đô thị hiện có, cần đầu tư, quản lý phù hợp.

“Tương tự như vậy, thành phố đang nghiên cứu những khu vực sẽ áp dụng cơ chế của “Thành phố trong thành phố” hoặc “Thành phố trong Thủ đô” để thúc đẩy các khu chức năng hỗ trợ cho phát triển. Các giải pháp sẽ được cụ thể hóa trong Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô”, KTS Lê Hoàng Phương thông tin.

Sông Hồng sẽ là điểm nhấn quan trọng Dựa trên các phân tích, đánh giá về thực trạng, thách thức phát triển, PGS.TS Lê Quân, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc nhận định về “kỳ tích” thay đổi căn bản cảnh quan không gian đô thị, tạo lập môi trường sống bền vững, nâng cao chất lượng môi trường, tạo lập các không gian tái tạo sức lao động cho người dân Thủ đô Hà Nội sẽ được tạo ra nhờ các định hướng phát triển, cải tạo và tái thiết các không gian xanh, không gian công cộng, công viên, vườn hoa đô thị trung tâm, đặc biệt là các khu vực phát triển dày đặc, khu vực làng xóm đô thị hóa.

Để đạt được mục tiêu phát triển đô thị xanh, các chuyên gia đô thị đều nhận định rằng công tác quy hoạch của Hà Nội phải tính toán lại trong các “bài toán” về phát triển nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, bất động sản, không gian công cộng… Chỉ khi quy hoạch được làm mang tính tích hợp cao thì mới hy vọng có được một kịch bản phát triển xanh, bền vững cho Thủ đô. Và đây chính là thời điểm “vàng” khi nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng được thực hiện song trùng, đồng bộ, kết nối chặt chẽ trong từng khâu, từng việc với việc lập Quy hoạch Thủ đô, bản quy hoạch đầu tiên lập theo phương pháp tích hợp với 17 lĩnh vực và 30 nội dung.

Riêng với trục cảnh quan sông Hồng, được lựa chọn là điểm nhấn, là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội trong tương lai, KTS Lê Hoàng Phương thông tin, định hướng nghiên cứu sẽ phát triển cân đối, hài hòa cả phía Nam và Bắc, sông Hồng với đầy đủ vai trò, chức năng về sinh thái, văn hóa và kinh tế. Từ trục cảnh quan này, diện mạo Thủ đô được phác họa là thành phố xanh, thông minh, thịnh vượng và thanh bình.

“Trong tương lai, hạ tầng dọc sông, kết nối qua sông sẽ được tập trung đầu tư để hoạt động kinh tế hai bên sông Hồng thuận lợi. Những công trình kiến trúc biểu tượng nằm hai bên bờ sông sẽ được phát triển. Trong mỗi giai đoạn, chúng ta sẽ khai thác từng chức năng đáp ứng nhu cầu của người dân, trong đó đặc biệt người dân đang rất cần những không gian sinh thái, không gian dịch vụ mà hiện nay trong khu vực nội đô không có điều kiện để phát triển”, KTS Lê Hoàng Phương chia sẻ.

Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng cũng đánh giá cao khi cho rằng những mô hình, cấu trúc phát triển mới mà thành phố hướng tới như đô thị vệ tinh, “Thành phố trong thành phố”, đặc biệt là xây dựng hai bên bờ sông Hồng sẽ tạo thành điểm nhấn trong định hướng điều chỉnh quy hoạch lần này.

“Nhiều đô thị lớn trên thế giới đều gắn với các dòng sông. Với Hà Nội, sông Hồng cũng sẽ là điểm nhấn quan trọng trong các đồ án quy hoạch mới của thành phố, giúp chúng ta khai thác nhiều hơn không gian xanh hai bên bờ sông, hình thành những khu vực trung tâm thương mại dịch vụ, hoặc là khu vực nhà ở gắn với không gian cộng đồng. Với những nghiên cứu bước đầu được đưa ra, các đơn vị lập và tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch đang có những định hướng, bước đi khá phù hợp với mong muốn của người dân Thủ đô”, bà Trần Thu Hằng nhận định.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam khẳng định, các định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị thuộc Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã tiếp cận vấn đề mới trong quy hoạch và quan trọng là phù hợp với điều kiện xây dựng, phát triển của Thủ đô Hà Nội, giúp liên kết vùng tốt hơn, vị thế của Hà Nội nâng cao hơn. Đây cũng là mục tiêu mà nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch đặt ra, hướng tới xây dựng phát triển Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Bắc, trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.