Cẩn trọng để bảo đảm hiệu quả lâu dài
Trong “hệ sinh thái” giao thông vận tải hiện nay, hệ thống đường sắt đang bị đánh giá là tụt hậu. Về cơ bản, mạng lưới đường sắt không có thay đổi so với trước đây; các dự án đầu tư trong lĩnh vực này chỉ tập trung vào cải tạo, nâng cấp, chưa được đầu tư tuyến mới theo quy hoạch.
Với thực trạng như vậy, hệ thống đường sắt tồn tại hàng loạt khó khăn, bất cập. Nổi lên là tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu… Vận tải đường sắt đang mất dần vai trò, không phát huy được thế mạnh vận tải khối lượng lớn, đường dài, thị phần giảm sút, không cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác.
Nhìn rộng ra, hạ tầng đường sắt yếu kém có tác động tiêu cực đến sự phát triển cân bằng của hệ thống giao thông vận tải, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phân tích như vậy để thấy, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu phát triển mạng lưới đường sắt hiện đại, có tốc độ cao là rất cần thiết và cấp bách. Từ đó, mở thêm không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm môi trường và đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng đa dạng của nền kinh tế đất nước.
Quan điểm đó đã được thể hiện rõ trong Kết luận số 49-KL/TƯ (ngày 28-2-2023) của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: Phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn.
Trên tinh thần này, mới đây, tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng ban Chỉ đạo đã nhấn mạnh việc đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn cho tương lai. Đó không chỉ là một tuyến đường sắt hay một con tàu, mà phải đặt ra mục tiêu tổng thể là hình thành ngành công nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ, để vận hành tuyến đường sắt tốc độ cao an toàn, hiệu quả, bền vững.
Có mục tiêu hiện đại hóa hạ tầng đường sắt quốc gia, việc nghiên cứu đề án nói trên được tiến hành nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng. Theo đó, những vấn đề quan trọng đã, đang được cấp có thẩm quyển bàn bạc thấu đáo, cẩn trọng như: Thời điểm quyết định đầu tư; công tác chuẩn bị đầu tư; lựa chọn công nghệ, kỹ thuật; phương án khai thác; mô hình đầu tư, quản lý…
Hiện đại hóa hệ thống đường sắt quốc gia là công việc có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi quyết tâm lớn, nỗ lực cao của các bộ, ngành liên quan. Nhiệm vụ rất quan trọng là việc lựa chọn kịch bản phát triển đường sắt tốc độ cao phải do thị trường quyết định, trong đó, khâu dự báo nhu cầu là trọng yếu để tính toán quy mô, hiệu quả đầu tư cũng như nhu cầu đầu tư cho dài hạn. Thêm nữa, cần làm rõ căn cứ khoa học và thực tiễn về vai trò, vị trí của đường sắt tốc độ cao đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; tập trung giải bài toán nguồn lực đầu tư; lựa chọn công nghệ, đào tạo nhân lực…
Tựu trung, đầu tư hiện đại hóa hạ tầng đường sắt là rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay; tuy vậy, việc này cần làm từng bước chắc chắn, cẩn trọng để bảo đảm hiệu quả về lâu dài cho phát triển đất nước.