Đức - nền kinh tế số một châu Âu: Lạc quan lấy lại đà tăng trưởng
Những khảo sát và báo cáo mới nhất đã dập tắt hy vọng nền kinh tế Đức có thể phục hồi ngay trong năm 2023, mà thay vào đó sẽ khởi sắc trong năm 2024.
Giới phân tích kỳ vọng, với tiềm lực mạnh mẽ và kinh nghiệm sản xuất dày dặn, nước Đức sẽ phá vỡ mọi rào cản, tiếp tục khẳng định vị thế nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế năm 2023 và các năm tiếp theo do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức Robert Habeck công bố cho thấy, Berlin không kỳ vọng tăng trưởng trong năm nay. Báo cáo nhận định, nền kinh tế Đức thoát khủng hoảng chậm hơn dự báo mùa xuân, trong một môi trường địa chính trị đầy khó khăn.
Dự báo được đưa ra trong bối cảnh các chỉ số kinh tế như sản xuất công nghiệp, số lượng đơn đặt hàng, chỉ số môi trường kinh doanh… hiện đều cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tiếp tục yếu kém. Berlin dự đoán mức giảm GDP 0,4% trong năm nay, thay vì tăng trưởng 0,4% như những dự báo trước đó.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong dự báo giữa tháng 10 tỏ ra bi quan hơn, với mức giảm 0,5%, thay vì giảm 0,3% như dự báo hồi tháng 7-2023.
Giới quan sát đánh giá, nguyên nhân khiến nền kinh tế Đức vẫn trì trệ là do lạm phát cao, sản xuất suy giảm - hậu quả của cuộc khủng hoảng giá năng lượng, cùng với đó là yêu cầu chống lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và sự suy yếu của các đối tác kinh tế quan trọng.
Mặt khác, những xung đột địa chính trị gần đây trên toàn cầu đã “đổ dầu vào lửa”, gia tăng bất ổn cho nền kinh tế của Berlin, vốn lâu nay phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và khí đốt giá rẻ từ Nga.
Các nhà sản xuất tập trung vào xuất khẩu của Đức đối mặt thực trạng thương mại chững lại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Berlin, trong khi ngành xây dựng quay cuồng với một loạt dự án bị hủy bỏ và mất khả năng thanh toán khi chi phí tài chính và vật liệu tăng cao.
Còn lạm phát cao tiếp tục kéo lùi đời sống người dân Đức, khiến họ ngày càng khó khăn trong trang trải chi phí sinh hoạt. Cục Thống kê Liên bang Đức công bố số liệu sơ bộ cho thấy, lạm phát trong tháng 9 đã giảm xuống còn 4,5%, nhưng giá thực phẩm và năng lượng vẫn leo thang, cao hơn khoảng 9% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi giá năng lượng cao hơn 8,3%.
Theo Hiệp hội Phúc lợi bình đẳng Đức, tỷ lệ nghèo đói ở nước này đang gia tăng với tốc độ nhanh, bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp, trẻ em và thanh niên, người nghỉ hưu…
Thực trạng đáng ngại của nền kinh tế và áp lực bảo đảm đời sống người dân khiến Chính phủ Đức như “ngồi trên lửa”, nhưng Phó Thủ tướng Robert Habeck tuyên bố lộ trình phục hồi kinh tế bền vững hiện đã được vạch rõ với kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2024; lạm phát giảm đáng kể và thu nhập thực tế tăng trở lại là cơ sở phục hồi.
Đây là hướng tiếp cận được đánh giá hợp lý, nhất là khi trong nửa đầu năm 2023, tiền lương danh nghĩa tại Đức đã tăng mạnh, còn tỷ lệ lạm phát sau khi tăng 6,1% trong năm nay được dự báo sẽ giảm còn 2,6% trong năm 2024 và 2,0% trong năm 2025.
Lạm phát giảm kết hợp với lương tăng và việc làm ổn định là yếu tố tích cực cho phát triển kinh tế, bởi góp phần đáng kể vào hồi sinh tiêu dùng cá nhân. Đây cũng chính là tiền đề để một số quan điểm phân tích lạc quan về tương lai nền kinh tế đầu tàu châu Âu, với ngưỡng tăng trưởng trở lại diễn ra ngay trong năm 2024 và 2025, tương ứng là 1,3% và 1,5%.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ ra, Đức sẽ phải loại bỏ một số trở ngại để có thể tăng cường hoạt động đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế, đặc biệt là triệt để giải quyết tình trạng quan liêu và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp.
Về phương diện này, Phó Thủ tướng Robert Habeck cho biết, Berlin đang triển khai rất nhiều giải pháp và hiện đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng cũng thừa nhận giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động vẫn là thách thức lớn, nhất là khi dân số nước này đang có xu hướng già hóa. Trước mắt, Đức đang ra sức kêu gọi thêm người nhập cư hợp pháp có tay nghề như một biện pháp ứng phó tạm thời.
Nhìn chung, Đức sẽ còn tốn nhiều công sức để có thể vượt qua giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, với tiềm lực mạnh mẽ và kinh nghiệm sản xuất dày dặn, nước Đức hoàn toàn có đủ khả năng phá vỡ mọi rào cản, để tiếp tục đảm nhiệm vai trò nền kinh tế đầu tàu châu Âu.