Diện mạo đô thị mới ở Gia Lâm
Hơn 20 năm trở lại đây, tốc độ đô thị hóa ở Gia Lâm diễn ra nhanh chóng. Nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới được hình thành; các tuyến đường được mở rộng, xây dựng mới, làm thay đổi cơ bản diện mạo của huyện, giúp đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Sau nhiều năm nỗ lực thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, đến nay hệ thống mạng lưới các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lâm đã phát triển hoàn thiện, như: Cụm công nghiệp Phú Thị, Cụm công nghiệp thực phẩm Hapro, Cụm công nghiệp Ninh Hiệp... Bên cạnh đó, huyện còn có nhiều làng nghề thủ công, truyền thống lâu đời, nổi tiếng, điển hình như: Làng gốm sứ Bát Tràng, gốm sứ Kim Lan; may da, dát vàng Kiêu Kỵ; làng nghề thuốc Bắc, mứt sen Ninh Hiệp...
Sự phát triển mạnh mẽ của các cụm công nghiệp và các làng nghề thủ công truyền thống đã tạo ra việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, đồng thời thu hút nguồn lao động từ các khu vực lân cận đến làm việc, sinh sống, góp phần quan trọng trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.
Điển hình như thôn Thuận Quang là làng nghề chế biến nông sản của xã Dương Xá, có nghề truyền thống chế biến hành, tỏi, khoai tây, sắn dây từ lâu đời. Trưởng thôn Thuận Quang Hoàng Đình Hoan thông tin, thôn có 195 hộ làm nghề, tạo việc làm ổn định cho hơn 400 lao động. Giá trị sản xuất từ nghề truyền thống đạt hơn 130 tỷ đồng/năm, góp phần nâng mức thu nhập bình quân chung của thôn đạt 78,84 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức bình quân chung toàn xã 5 triệu đồng.
Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, xã Dương Xá xác định phát triển sản xuất nông nghiệp có vai trò quan trọng. Qua rà soát, toàn xã có 201,31ha đất nông nghiệp, trong đó gần 100ha đã chuyển đổi và đang tiếp tục lập phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng 50,12ha. Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh khẳng định: Các diện tích trồng bưởi, cam, ổi, cây dược liệu… vừa tạo diện mạo nông thôn mới thêm khởi sắc, vừa mang lại giá trị kinh tế cao với thu nhập khoảng từ 80 đến 200 triệu đồng/sào/năm. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, toàn xã hiện có 708 cơ sở dịch vụ, thương mại, hơn 100 doanh nghiệp, 20 hộ kinh doanh vận tải; thu nhập bình quân toàn xã đạt hơn 73 triệu đồng/người/năm và không còn hộ nghèo.
Nhờ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm trở lại đây theo hướng tăng tỷ trọng các ngành thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế của Gia Lâm năm 2022 tăng 10,52% so với năm 2021; 9 tháng năm 2023 tăng 10,15% so với cùng kỳ năm 2022...
Đô thị khang trang
Thời gian qua, Gia Lâm chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đô thị. Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm đã định hướng phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ; gắn kết giữa quy hoạch xây dựng đô thị với cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị; đẩy mạnh phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp; phát huy vai trò, chức năng của đô thị trong mối liên hệ vùng và nội vùng.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết: Huyện đã tập trung chỉnh trang đô thị, bổ sung hệ thống chiếu sáng, cây xanh; xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước các khu dân cư tập trung... Đến nay, mạng lưới giao thông của huyện tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh. Các tuyến đường được chỉnh trang với hệ thống chiếu sáng hiện đại, đáp ứng được công năng đô thị hiện đại. Những khu đô thị, khu dân cư mới được hình thành và kết nối đồng bộ với cơ sở hạ tầng của huyện, như: Khu đô thị Vinhomes Ocean Park, Khu đô thị Đặng Xá 1, Khu đô thị Đặng Xá 2...
Còn theo Chủ tịch UBND xã Phú Thị Nguyễn Đức Chấn, giai đoạn 2021-2025, xã được đầu tư gần 200 tỷ đồng để nâng cấp trường học, trụ sở, trung tâm văn hóa, hạ tầng giao thông. Hiện xã có 5,1km đường trục chính, 117 đường thôn, ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa (100%), có hệ thống chiếu sáng, biển báo, biển chỉ dẫn giúp đi lại thuận tiện. Các tổ chức, đoàn thể tích cực thực hiện các mô hình trồng cây xanh ven đường, trồng mới và duy trì tuyến đường nở hoa, bích họa…
Theo thống kê của UBND huyện Gia Lâm, từ năm 2021 đến hết tháng 9-2023, toàn huyện có 185 dự án hoàn thành với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 4.192 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy kết quả thực hiện một số mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, huyện đã hoàn thành cải tạo, sửa chữa trụ sở công an 22 xã, thị trấn; hoàn thành xây dựng bổ sung khoảng 324 phòng học, phòng hiệu bộ, phòng chức năng; cải tạo, chống xuống cấp 11 trường học trên địa bàn; xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp 148,2km giao thông khung, trục chính, khu dân cư; nâng cấp 61,7km giao thông, đường điện nội đồng, kênh mương; đưa vào sử dụng 8 công viên, vườn hoa, sân chơi và nạo vét, cải tạo 23 ao, hồ…
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền khẳng định: Đến nay, Gia Lâm đã hoàn thành 31/31 tiêu chí quận, trong đó cơ bản hoàn thành 25/25 tiêu chí về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị. Khởi sắc của Gia Lâm trong phát triển kinh tế và tiến trình đô thị hóa có ý nghĩa quan trọng. Bởi, đó là sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện, là niềm tự hào và đánh dấu bước phát triển vượt bậc của Gia Lâm trong giai đoạn mới, với mong muốn xây dựng Gia Lâm trở thành quận văn minh, giàu mạnh của Thủ đô.