Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra Dự án Luật Lưu trữ sửa đổi
Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ mối quan hệ giữa dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) với các luật như Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Kế toán, Luật Công chứng… có quy định đặc thù về lưu trữ.
Tiếp tục chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ 18, sáng 13-10, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực lưu trữ nhằm khơi dậy khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011). Trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật hiện hành, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 4 chính sách, gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; quy định về hoạt động lưu trữ tư; quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu ghi nhận hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị công phu, đầy đủ. Nội dung dự thảo Luật cơ bản thống nhất với các chính sách được đề xuất khi đưa dự án Luật vào Chương trình Xây dựng Luật, Pháp lệnh.
Các đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát 12 nội dung giao quy định chi tiết, bảo đảm tinh thần luật hóa tối đa các nội dung đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế.
Nhiều ý kiến lưu ý đến việc bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Cơ quan soạn thảo cần rà soát các quy định của dự thảo Luật với Luật Di sản Văn hóa và các nội dung dự kiến sửa đổi luật này liên quan đến quản lý tài liệu lưu trữ được công nhận là Di sản Tư liệu, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt được công nhận là Bảo vật quốc gia để có quy định phù hợp, tránh chồng chéo.
Ngoài ra, Cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, làm rõ mối quan hệ giữa dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) với các luật như Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Kế toán, Luật Công chứng… có quy định đặc thù về lưu trữ để quy định rõ trong Luật hoặc giao Chính phủ quy định trường hợp nào áp dụng pháp luật lưu trữ, trường hợp nào áp dụng theo quy định của luật chuyên ngành, tránh trùng lặp, thiếu thống nhất giữa các luật.
Liên quan đến thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, các đại biểu chỉ rõ, thực tế hiện nay tại Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, việc quản lý tài liệu trung gian giữa cấp tỉnh, thành phố và cấp xã rất nhiều; đồng thời, qua quá trình hoạt động, Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã cũng có nhiều tài liệu lưu trữ lịch sử. Tuy nhiên, Dự thảo Luật chưa quy định về nội dung này, do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm để xem xét bổ sung vì đây cũng là những tài liệu lưu trữ rất quan trọng.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu, đánh giá cao ý kiến tại phiên họp rất chuyên sâu, đi vào những nội dung cụ thể trong dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Nội vụ tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý để khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật.