TP Hồ Chí Minh: Thiếu nhân lực cơ sở khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị
Ngày 13-10, UBND thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thực hiện Nghị quyết số 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 131), thành phố không tổ chức HĐND tại 16 quận và 249 phường. Mục tiêu là nhằm tinh gọn, đổi mới mạnh mẽ và linh hoạt hoạt động của bộ máy chính quyền, giải quyết các vấn đề lớn của đô thị đặc biệt, phát huy tốt nhất vai trò, vị trí của thành phố.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, về phát triển kinh tế - xã hội, sau khi thành lập thành phố Thủ Đức ngày 1-1-2021 (trên cơ sở sáp nhập quận Thủ Đức, quận 2, quận 9), thu ngân sách nhà nước năm 2021 là 10.675 tỷ đồng, năm 2022 là 19.818 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2022 đạt 92%, dự kiến năm 2023 đạt 95% theo kế hoạch đề ra.
Hiệu quả hoạt động của HĐND thành phố Thủ Đức được nâng lên, ngày càng dân chủ, chất lượng và hiệu quả, có nhiều đổi mới cả trong tư duy và thực tiễn hành động thể hiện trên tất cả các lĩnh vực. Rõ nét nhất là trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, ngân sách, quy hoạch ngành, giám sát chuyên đề, chất vấn, trả lời chất vấn, góp phần thể chế hóa kịp thời, đúng đắn đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Thanh Nhân cho biết, thực hiện sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã, hiệu lực hiệu quả trong quản lý Nhà nước được nâng lên, cải cách hành chính, chế độ công vụ có nhiều chuyển biến tích cực, công tác phòng, chống tham nhũng được quan tâm. Tổ chức bộ máy Nhà nước được tinh gọn, không còn chồng chéo, đội ngũ cán bộ, công chức được chú trọng về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, tận tụy, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân.
Việc sắp xếp tổ chức, bố trí các chức danh chủ chốt của chính quyền, các đoàn thể, bảo đảm đúng nguyên tắc công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận cao, chế độ chính sách đối với cán bộ công chức và người hoạt động không chuyên trách, dôi dư sau sắp xếp được quan tâm chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định của Chính phủ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, qua kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 131, thành phố đã ghi nhận được nhiều kết quả thuận lợi, phù hợp và phát huy hiệu lực, hiệu quả nền công vụ, bộ máy hành chính được củng cố, công tác cải cách hành chính được cải thiện.
Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện đã bộc lộ không ít bất cập như: Số biên chế không đáp ứng với khối lượng hoạt động công vụ; vấn đề phân cấp, phân quyền chưa đạt mục tiêu gọn, mạnh, nhanh; tính chủ động trong điều hành một số nơi còn hạn chế… Chính vì vậy, người đứng đầu chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, kết quả triển khai thực hiện chính quyền đô thị tại thành phố là phù hợp nhưng cần tiếp tục được hoàn thiện, cần có sự điều chỉnh để hoàn thiện hơn thì mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố mới đạt được hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị, các cấp chính quyền thành phố nghiên cứu, để sau 5 năm, đề xuất Trung ương, Quốc hội điều chỉnh, hay cần một khung pháp lý như "một cái áo" rộng hơn, phù hợp hơn, đáp ứng vai trò lớn hơn của thành phố, một siêu đô thị mà dân số không dừng lại ở 10 triệu dân mà có thể là 20 triệu dân. Do đó, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và phù hợp vai trò phát triển của thành phố trong giai đoạn tới.
Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị, các cơ quan chức năng có liên quan hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương công nhận thành phố Thủ Đức là đô thị loại 1. Việc này rất quan trọng, tác động đến cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức bộ máy để Thủ Đức trở thành thành phố tương tác cao, năng động, sáng tạo ở phía Đông thành phố Hồ Chí Minh, kết nối với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Tại hội nghị, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã trao Bằng khen cho 52 tập thể và 71 cá nhân có thành tích trong công tác tham mưu và triển khai thực hiện Nghị quyết 131.