Điểm tựa cho doanh nhân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TƯ (ngày 10-10-2023) của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”. Nghị quyết khẳng định tư duy, tầm nhìn đổi mới của Đảng, đồng thời tiếp thêm động lực cho đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Đất nước lớn mạnh có sự đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân và ngược lại, nhìn vào đội ngũ doanh nhân, chúng ta thấy được vị thế quốc gia. Hiện nay, Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Khu vực doanh nghiệp đóng góp hơn 60% GDP (Tổng sản phẩm nội địa), khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực sự đã có những đóng góp trên nhiều phương diện cho đất nước.
Trong bối cảnh đó, việc Bộ Chính trị quyết định ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TƯ thay thế Nghị quyết số 09-NQ/TƯ (ngày 9-12-2011) về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” cho thấy tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta; với nhiều điểm mới trên tinh thần ủng hộ, giúp đỡ và là điểm tựa vững chắc cho doanh nhân Việt Nam.
Thứ nhất, Nghị quyết số 41-NQ/TƯ thể hiện rõ ý chí khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc và ấm no. Chúng ta tự hào về những kết quả to lớn đã đạt được, về đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, nhưng không chủ quan, tự mãn, mà phải tiếp tục tiến lên.
Thứ hai, Nghị quyết số 41-NQ/TƯ cho thấy, Đảng ghi nhận và đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ doanh nhân, đã gắn đội ngũ doanh nhân với thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước.
Thứ ba, thông qua Nghị quyết, hàng loạt vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp những năm qua đã được chỉ rõ, đồng thời xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ. Tất cả khẳng định, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân.
Vấn đề mấu chốt hiện nay là phải khẩn trương rà soát, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do sản xuất, kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm...
Đó còn là bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ; thực hiện phương thức đối tác công - tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; kiểm soát, xóa bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh...
Để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, cần xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; có cơ chế kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Các cấp, ngành phải huy động sự vào cuộc của nhân dân, báo chí và chính đội ngũ doanh nhân. Vị thế xứng đáng của doanh nhân được ghi nhận trong Nghị quyết phải được toàn xã hội trân trọng, trở thành văn hóa.
Làm được những điều này, chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng sẽ thành hiện thực sinh động trong cuộc sống, tạo ra tinh thần mới, khí thế mới cho đội ngũ doanh nhân sáng tạo, phát triển. Đây chính là món quà thiết thực nhất cho cộng đồng doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước giàu đẹp, văn minh.