Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10: Giúp doanh nghiệp đương đầu thử thách
Năm 2023 là một năm đầy khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Tác động của suy thoái kinh tế đã khiến không ít doanh nghiệp phải giải thể, tạm ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh. Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, các doanh nghiệp chia sẻ về những khó khăn, thử thách gặp phải và kiến nghị giải pháp hỗ trợ phục hồi.
Doanh nghiệp khó từ dòng tiền…
Chưa khi nào cộng đồng doanh nghiệp phải gồng mình đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Khó khăn đến từ tình hình kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, nguyên liệu đầu vào khan hiếm, đơn hàng giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy giảm. Trong khi đó, nguồn tài chính để doanh nghiệp duy trì hoạt động, đầu tư bị cạn kiệt...
Giám đốc Công ty TNHH May Hùng Nguyệt (quận Long Biên) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mặc dù chính sách ưu đãi vốn vay được ban hành, song doanh nghiệp tư nhân vẫn khó tiếp cận và thụ hưởng, do thủ tục rườm rà, phức tạp, điều kiện cho vay siết chặt, thiếu tài sản bảo đảm hoặc hệ thống kế toán sổ sách chứng từ sơ sài, thiếu độ tin cậy…
Tương tự, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Song Phương (chuyên sản xuất cung ứng thực phẩm) Nguyễn Thị Phương chia sẻ, sức tiêu thụ của thị trường trong nước giảm, doanh nghiệp đã tìm đến những đơn hàng xuất khẩu tại các nước lân cận. Nhưng khi giao dịch được ký kết, vốn để sản xuất lại là vấn đề cản trở.
Tổng hợp ý kiến gần đây của hơn 30 hiệp hội doanh nghiệp, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt có liên quan tới dòng tiền. Tiếp đó, những quy định thuế và thực thi thuế đang khiến doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó chồng khó.
Trong bối cảnh đó, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, Tổng cục Thuế cần nhanh chóng rà soát, báo cáo Chính phủ các chính sách, quy định hiện hành về thuế không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong thực thi... Từ đó cân nhắc các kế hoạch điều chỉnh, sửa đổi tổng thể để tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, bứt phá, tiếp tục hội nhập.
… đến chính sách
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn, con số doanh nghiệp đóng cửa và sắp đóng cửa trong năm 2023 cho thấy khu vực doanh nghiệp đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Do vậy, Chính phủ cần phải có quyết sách rất nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp sớm vượt qua thách thức.
Đại diện cho các doanh nghiệp game Việt, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG Games Lã Xuân Thắng cho biết, tại Việt Nam, kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến là một ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn kinh doanh đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. “Nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép”, ông Lã Xuân Thắng nhìn nhận.
Theo Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, những khó khăn liên quan tới những quy định bất hợp lý trong môi trường đầu tư, kinh doanh cũng khiến hàng loạt doanh nghiệp gặp khó, như: Chi phí cảng biển bất hợp lý; quy định liên quan tới thời gian làm việc của lái xe hay vấn đề đăng kiểm…
Trước phản ánh của doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh khẳng định, cải cách thể chế là điều tiên quyết và cần có những chính sách mang tính căn cơ, lâu dài. Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: “Cải cách thể chế có ý nghĩa quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả chính sách tài khóa và tiền tệ trong ngắn hạn. Không chỉ đơn giản thủ tục hành chính, mà còn phải hướng đến cắt giảm chi phí đầu tư phát sinh từ quy định pháp luật”.
Để làm được điều này, ông Phan Đức Hiếu đề xuất: Thứ nhất, tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí. Nếu thực sự chưa cấp bách, không nên ban hành quy định mới. Nếu phải ban hành thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp để doanh nghiệp có thời gian ổn định “sức khỏe” và chuẩn bị phương án tuân thủ... Thứ hai, cần nghiên cứu cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp doanh nghiệp tái cơ cấu, vượt qua khó khăn.
Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn:
Doanh nghiệp tư nhân ngày càng giữ vai trò quan trọng
Quá trình đổi mới những năm qua đã cho thấy, chính sách phát triển doanh nghiệp mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực. Các doanh nhân, doanh nghiệp tạo ra việc làm, đóng góp cho ngân sách, thay đổi bộ mặt đô thị, góp phần hiện đại hóa ngành công nghiệp, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ của du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp…
Các doanh nghiệp tư nhân tham gia thành công vào những dự án đột phá về hạ tầng quan trọng, như đường cao tốc, sân bay quốc tế. Những dự án sản xuất ô tô quy mô lớn lần đầu tiên ở Việt Nam cũng do những doanh nghiệp tư nhân đảm nhận. Trong ngành bán lẻ, chúng ta có thể thấy những cửa hàng mậu dịch quốc doanh đã được thay thế bởi các siêu thị, trung tâm thương mại khắp mọi miền đất nước. Doanh nghiệp tư nhân xuất hiện trong hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả những lĩnh vực vốn được xem là “sân chơi” riêng của các doanh nghiệp nhà nước hoặc các đơn vị sự nghiệp. Có thể nói, doanh nghiệp tư nhân ngày càng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh:
Cần thay đổi tư duy, nỗ lực khắc phục những hạn chế
Kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Nhiều cơ hội mới mở ra cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, cũng phải tỉnh táo nhìn nhận, khả năng các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ việc thâm nhập thị trường quốc tế sẽ rất hạn chế nếu như bản thân họ không có sự cải tiến, thay đổi công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành... Đó là một thách thức lớn, nhưng buộc phải vươn lên, không có cách nào khác. Bên cạnh đó, tiềm lực nội tại của các doanh nghiệp đa phần còn yếu. Vậy nên, đầu tư để tăng nội lực doanh nghiệp là việc phải làm, trên cơ sở cân nhắc, tính toán phương án kỹ lưỡng.
Ngoài ra, chất lượng sản phẩm do các doanh nghiệp của chúng ta làm ra nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường quốc tế. Trong tiến trình hội nhập, đây là một trong những vấn đề quan trọng có tính mấu chốt. Khi đã bước chân ra thế giới, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, nỗ lực khắc phục hạn chế.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Thành phố Hà Nội luôn đồng hành với doanh nghiệp
Trong 9 tháng năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội tăng 6,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 5,81%; quý II tăng 5,93%; quý III tăng 6,49%). Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm, kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng trên với xu hướng cải thiện qua từng quý là rất quan trọng và đáng ghi nhận.
Hà Nội hiện có khoảng 370.000 doanh nghiệp, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung của cả nước. Dù gặp nhiều khó khăn, song kinh tế Hà Nội vẫn đạt được tăng trưởng là nhờ đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian tới, thành phố tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp, phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh sẽ đóng góp nhiều hơn cho kinh tế Thủ đô.
Quang Minh ghi