Nông nghiệp

U70 vẫn truyền cảm hứng sản xuất nông nghiệp sạch

Nguyễn Mai 12/10/2023 - 14:09

Đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông Nguyễn Văn Mỡ (ở xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn là nông dân điển hình của huyện dám nghĩ, dám làm, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp. Gia đình ông đang phát triển mô hình trồng nho, dự định gắn sản xuất với khai thác lợi thế để phát triển du lịch.

Tiên phong ứng dụng "cái mới”

Những năm 1980, ông Nguyễn Văn Mỡ đi đầu huyện Phúc Thọ trong trồng táo lai. Đến những năm 1990, ông lại đi đầu trong trồng cam Canh, bưởi Diễn rồi chuyển sang trồng hoa ly, hoa lan, hoa cúc... Luôn "đi trước thời đại" nên sản phẩm của gia đình ông chưa bao giờ phải "giải cứu".

ong-mo.jpeg
Ông Nguyễn Văn Mỡ và cán bộ Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ tại trang trại trồng nho.

Hiện nay, ông Nguyễn Văn Mỡ tiếp tục trong thực hiện mô hình trồng nho. Ghé thăm vườn nho hạ đen của của gia đình ông ở thời điểm cho thu hoạch sau thời gian hơn 4 tháng chăm bẵm thật thích mắt.

Ông Mỡ mở cho biết: "Nhắc tới cây nho, ít ai nghĩ rằng miền Bắc Việt Nam lại trồng được. Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, hiện nay tôi và một số hộ đã trồng được nho ngay trên đất Thủ đô".

Tuy cây nho đã "bén rễ" nhưng để bảo đảm năng suất và chất lượng là việc khó khăn, ông Mỡ cho biết, đã tốn 4 năm trồng thử, đúc rút kinh nghiệm. Để cây nho sinh trưởng, phát triển tốt, ông ứng dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới, đồng thời ứng dụng biện pháp phòng trừ dịch bệnh tổng hợp và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Theo ông Mỡ, tất cả cây trồng đều khó tránh sâu bệnh hại. Với nho hạ đen, thời điểm sâu bệnh chủ yếu là lúc ra hoa, kết trái; khoảng 50 ngày cuối chu kỳ phát triển thì gần như cây không bị sâu bệnh. Cây nho cũng khác với các loại cây trồng, hằng ngày phải tạo tán, tỉa cành. Thân cây phải mập thì quả mới to, bông chùm mới dài, chủ vườn phải có lịch chăm sóc cây.

"Tôi dành 1 giờ buổi sáng và 1 giờ buổi chiều để tỉa cành. Vào các buổi chiều mùa hè, trời nắng nóng không làm được, tôi đeo đèn buổi tối làm 1 giờ đồng hồ là đáp ứng yêu cầu. Trồng đúng kỹ thuật, cây nho cho năng suất 16-18 tấn/ha (tương đương 48 tạ/sào); giá bán trung bình 100 nghìn đồng/kg, hiệu quả không nhỏ", ông Mỡ chia sẻ.

ong-mo-2.jpg
Vùng trồng nho của gia đình ông Nguyễn Văn Mỡ đã được Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Gắn với phát triển du lịch

Với kinh nghiệm hơn 40 năm trồng cây ăn quả, ông Mỡ tận dụng phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như rơm rạ làm phân ủ vi sinh cho cây phát triển bền vững. Hiện, gần 1.500m2 trồng nho hạ đen của ông Mỡ được Trung tâm Phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; nghiên cứu in tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đây là sự khẳng định tiêu chuẩn chất lượng đối với vùng nho hạ đen. Cũng nhờ chất lượng tốt nên việc tiêu thụ nho hạ đen của ông Mỡ rất thuận lợi.

Chia sẻ về kết quả, ông Nguyễn Văn Mỡ cho biết: Nông dân muốn thành công trong sản xuất nông nghiệp thì phải không ngừng tư duy. Quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm phải an toàn, giá thành cạnh tranh, có lợi nhuận, mới bền vững. "Tôi từng có nhiều đêm trăn trở, mong muốn gia tăng giá trị từ sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, vụ nho năm 2023, tôi thí điểm đón khách tới vườn tham quan, trải nghiệm", ông Mỡ nói.

Khắc phục khó khăn bởi khu trang trại chỉ là đồng ruộng sản xuất, không được xây dựng, ông vệ sinh trang trại sạch sẽ, chọn chỗ có nhiều bóng cây, cắm thêm ô, tạo không gian để du khách nghỉ mát, uống nước.

ong-mo-3.jpg
Vừa sản xuất, vừa đón khách tham quan trải nghiệm đã mang lại thu nhập cao hơn cho hộ gia đình.

"Tôi cũng rất mừng được các cơ quan báo, đài của thành phố, hội nhóm trên mạng xã hội tuyên truyền, quảng bá sản phẩm tới đông đảo người dân và du khách. Thông tin cung cấp cho truyền thông và mạng xã hội trung thực, tạo sức lan tỏa. Trong vụ đầu thu hoạch, sản lượng không lớn, chỉ 20 ngày là vườn nho nhà tôi đã hết sạch. Dự kiến các năm sau, sản lượng nho tăng hơn tôi sẽ chuẩn bị để bảo đảm các tiêu chí đón khách tốt hơn...", ông Mỡ phấn khởi nói.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương, trang trại của gia đình ông Mỡ là một trong những điểm nhấn của huyện về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất gắn với phát triển du lịch nông nghiệp. Thành công của ông Mỡ lan tỏa đến nhiều nông dân với thông điệp: Quỹ đất sản xuất nông nghiệp của huyện Phúc Thọ rất lớn, địa hình đa dạng. Mỗi nông dân dám nghĩ, dám làm, tìm tòi, sáng tạo, lập nghiệp từ nông nghiệp thì sẽ thành công.