Bạn đọc

Ngăn chặn dịch sốt xuất huyết từ những “điểm nóng”

Nhóm phóng viên 12/10/2023 - 06:29

Tại thành phố Hà Nội, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến hết sức phức tạp với số ca mắc và ổ dịch ở mức cao. Các địa phương có nhiều "điểm nóng" về sốt xuất huyết đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch...

sot-xuat-huyet.jpg
Thành viên Tổ giám sát phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) kiểm tra việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Tình hình dịch diễn biến phức tạp

Ngõ 205 và ngõ 207 đường Xuân Đỉnh (phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) có nhiều ngách, hẻm nhỏ với nhiều nhà cho thuê trọ, công trình xây dựng đang thi công. Hiện nơi đây ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết. Tổ trưởng tổ dân phố Xuân Nhang 1 (phường Xuân Đỉnh) Nguyễn Tuyết Thanh cho biết, ca sốt xuất huyết đầu tiên được ghi nhận ở tổ là từ khu nhà trọ và 1 công trình xây dựng có tầng hầm để đọng nước...

Đoạn mương lộ thiên ở ngõ 323 đường Xuân Đỉnh cũng là nơi phát sinh nhiều ổ muỗi gây bệnh. Cộng dồn từ đầu năm 2023, quận Bắc Từ Liêm ghi nhận 90 ổ dịch sốt xuất huyết. Đến ngày 4-10-2023, còn 18 ổ dịch đang hoạt động, trong đó ghi nhận 5 ổ dịch mới tại các phường Đức Thắng, Liên Mạc, Phúc Diễn, Tây Tựu, Xuân Tảo.

Theo thống kê, toàn quận Tây Hồ có 320 khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch sốt xuất huyết (công trình xây dựng, đình, đền, chùa, khu đất trống, khu nhà trọ). Trong đó, các phường có số ca mắc nhiều nhất là Xuân La, Yên Phụ, Thụy Khuê, Quảng An. Hiện số ca bệnh trên địa bàn quận tăng gấp 3,9 lần so với cùng kỳ năm 2022 (106 ca/14 ổ dịch), không có ca tử vong.

Tại quận Cầu Giấy, Dịch Vọng Hậu là phường có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất, với tổng số ca bệnh lũy tích đến ngày 5-10-2023 là 215 ca, 13 ổ dịch. Nhiều địa điểm trên địa bàn phường đã căng biển “khu vực đang có ổ dịch sốt xuất huyết hoạt động” nhằm khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Phường Dịch Vọng Hậu còn công khai số điện thoại của lãnh đạo Trạm y tế, UBND phường để người dân liên hệ khi phát hiện ca mắc sốt xuất huyết.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Thị Ngọc Ánh, không chỉ những khu vực ẩm thấp, đọng nước, vệ sinh kém mới phát sinh ổ dịch mà ngay cả những nơi cao ráo, khô thoáng như chung cư, ký túc xá... dịch sốt xuất huyết cũng bùng phát.

Chị N.T.T (chung cư Mipec, phường Dịch Vọng Hậu) cho biết, lúc bị ốm, chị cứ nghĩ mình bị sốt vi rút, chứ không nghĩ là sốt xuất huyết vì nhà chị ở tầng cao của chung cư. Khi được cán bộ y tế phường giải thích có thể mắc sốt xuất huyết ở nơi khác, chị đã thực hiện các biện pháp tăng cường bảo vệ sức khỏe theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống

Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu Nguyễn Thị Ngọc Ánh cho biết, nhiều ổ dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, kéo dài do ý thức người dân chưa cao, chưa chủ động thực hiện tốt các hướng dẫn phòng, chống sốt xuất huyết. Hoạt động xử lý ổ dịch chưa triệt để, bỏ sót ổ bọ gậy, bể nước hở. Lực lượng làm vệ sinh môi trường thiếu kỹ năng... Tỷ lệ người dân hưởng ứng phun hóa chất không cao.

Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí hỗ trợ đội ngũ cộng tác viên, đội xung kích, tổ giám sát phòng, chống sốt xuất huyết còn hạn hẹp nên gặp khó khăn trong việc huy động nhân lực tham gia hưởng ứng dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy. UBND phường thường xuyên tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về cách phòng, chống dịch sốt xuất huyết, vận động người dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại cộng đồng. Đến nay, có 10 ổ dịch đã được "dập tắt".

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Bùi Thị Lan Phương, thời gian tới, UBND quận tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch sốt xuất huyết, qua đó chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Quận yêu cầu, các phường tổ chức chiến dịch cao điểm tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức về biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Chủ tịch UBND các phường phải chịu trách nhiệm toàn diện về công tác này. Đối với người mắc bệnh sốt xuất huyết cần được giám sát sức khỏe thường xuyên, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ chuyển nặng và tử vong tại nhà. Bên cạnh đó, quận vận động lực lượng hành nghề y dược ngoài công lập chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc men, phát hiện sớm, tư vấn, điều trị cho bệnh nhân theo đúng phác đồ và tuyệt đối không để xảy ra tử vong tại nhà.

Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương cho biết, thực hiện cao điểm truyền thông về phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, quận Bắc Từ Liêm đang tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm giai đoạn 2020-2023” tại các phường; thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm đầy đủ các điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, nhân lực phòng, chống dịch trong mọi tình huống; nâng cao ý thức của người dân, tránh tình trạng lơ là, mất cảnh giác, chủ quan với dịch bệnh.