Ứng dụng vật lý số để bảo tồn di sản văn hóa
Khái niệm vật lý số xuất hiện trên thế giới từ năm 2021 - trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19 và vẫn còn mới mẻ tại Việt Nam. Mặc dù vậy, trước dòng chảy không ngừng của không gian số, vật lý số đã bước đầu được ứng dụng, không chỉ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế số mà còn góp phần bảo tồn di sản văn hóa…
Kết nối thế giới thực và thế giới số
Khái niệm vật lý số (phygital) là thuật ngữ kết hợp giữa physical (vật lý) và digital (kỹ thuật số). Vật lý số được sinh ra từ việc kết hợp các sự phát triển từ công nghệ điện toán, thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR). Hay nói một cách khác, với vật lý số, mọi vật thể vật lý đều có thể chuyển thành vật lý số - số hóa, tức là tồn tại song song trên cả hai chiều không gian thực và không gian số, nhờ vào sự hỗ trợ của các công nghệ và nền tảng mới trên thế giới. Vật lý số thể hiện sự tương tác giữa thế giới thực như cửa hàng, sản phẩm thực với thế giới số như ứng dụng di động, trang web, trải nghiệm trực tuyến. Việc định danh số vạn vật là một bước quan trọng nhất của vật lý số.
Theo Giám đốc công nghệ của Công ty Phygital Labs Đỗ Nam, các sản phẩm vật lý được định danh số trên không gian mạng thông qua một giải pháp định danh số vạn vật - Nomion, do đội ngũ startup công nghệ Phygital phát triển. Vật lý số đã được ứng dụng trong các lĩnh vực như: Thương hiệu thời trang số - Ortho Starlight; nông sản đặc sản và OCOP - Cafe Le J’, The Ho Tieu; bảo tàng số - Làng đá Non Nước…
Ông Nguyễn Huy, nhà sáng lập và điều hành Phygital Labs - đơn vị cung cấp giải pháp định danh số vạn vật Nomion cho biết thêm, giải pháp này tạo ra một danh tính số duy nhất cho mỗi sản phẩm vật lý bằng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification - nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến) và blockchain (công nghệ chuỗi khối) bảo đảm tính minh bạch, độc bản của sản phẩm trên cả không gian thực và số. Từ đó có thể ứng dụng công nghệ LiDAR (Light Detection And Ranging - công nghệ quét và đo tia sáng hồng ngoại) và AR/VR (thực tế tăng cường - thực tế ảo) để đưa các sản phẩm vật lý lên môi trường số, góp phần gia tăng giá trị và trở thành mảnh ghép quan trọng của nền kinh tế số.
“Như vậy, vật lý số sẽ là cánh cổng kết nối thế giới thực và thế giới số, là nơi hai thế giới hội tụ và tồn tại song song. Đây sẽ là một dòng doanh thu hoàn toàn mới, tái định hình những chuẩn mực truyền thống và kiến tạo nền kinh tế số đầy tiềm năng”, ông Nguyễn Huy khẳng định.
Bổ sung thêm thông tin, ông Đỗ Nam cho biết, nếu áp dụng vật lý số vào đời sống đúng cách sẽ giúp nâng cao giá trị của vật phẩm trong cả thế giới số và thực, tự động hóa các quy trình và trải nghiệm của người dùng, giảm thiểu công sức và chi phí lưu trữ, tăng độ tin tưởng của người dùng nhờ vào tính chất minh bạch với độ xác thực cao.
Bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Việt
Ngoài lĩnh vực kinh tế số, giải pháp về định danh vạn vật còn giúp lưu trữ, bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc đến người dùng internet khắp thế giới một cách đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả. Như giải pháp định danh vạn vật được xây dựng với Làng đá Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng). Trong trường hợp này, các sản phẩm mỹ nghệ làm từ đá được tích hợp công nghệ định danh vạn vật Nomion để định danh, sau đó đưa lên Danang Chain (nền tảng blockchain của Đà Nẵng).
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh cho biết, giải pháp định danh số vạn vật của Phygital Labs đã đồng hành với thành phố Đà Nẵng để có nền tảng blockchain và đặt trong miền ứng dụng dự án số hóa Làng đá Non Nước cũng như các sản phẩm OCOP. Từ thành công bước đầu này, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng đã ký hợp tác với Phygital Labs để triển khai chuyển đổi số trên địa bàn nhằm phát triển chính phủ số và công dân số…
Một trong những đơn vị ứng dụng vật lý số là Trung tâm thông tin UNESCO Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam) khi cùng đối tác Phygital Labs xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ để bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa Việt”. Theo đại diện của Trung tâm thông tin UNESCO Việt Nam, với công nghệ này, một trong những sản phẩm của trung tâm là hình tượng con Nghê được gắn một chip tích hợp, bất kỳ ai dùng điện thoại thông minh quét lên sản phẩm sẽ có đầy đủ thông tin (nguồn gốc, kích thước, hình ảnh 3D, những câu chuyện đi kèm…). Qua đó, giúp khách thuận lợi trong việc tìm hiểu thông tin của sản phẩm.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin UNESCO Việt Nam Nguyễn Hùng Sơn cho biết, đơn vị thường xuyên triển khai các hoạt động truyền thông nhằm bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam. Đơn vị chung sứ mệnh với Phygital Labs để giải quyết những vấn đề cụ thể của cuộc sống trong giai đoạn thế giới bước vào kỷ nguyên số, không gian số, thế giới số, đặc biệt là trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc.
Chia sẻ về sự hợp tác bảo tồn, phát triển di sản văn hóa Việt, ông Nguyễn Huy nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, ngành nghề để bắt kịp với sự phát triển của thế giới, việc ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, phát triển và quảng bá những di sản văn hóa quý giá là thức thời và cần thiết. Các công nghệ độc quyền do Công ty Phygital Labs phát triển sẽ giúp lưu giữ, trưng bày, quảng bá và ứng dụng văn hóa truyền thống Việt Nam vào các lĩnh vực của cuộc sống đương đại.