Quy hoạch

Điều chỉnh quy hoạch Thủ đô: Cơ hội phát triển xứng tầm thời đại mới

Bảo Hân 11/10/2023 - 06:23

LTS: Cùng với việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Hà Nội cũng đang quyết liệt và thận trọng lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Loạt bài viết của Báo Hànộimới nhằm nhận diện, đánh giá khách quan kết quả sau 12 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; phân tích yêu cầu thực tiễn cấp bách cho việc điều chỉnh, đồng thời cung cấp định hướng lớn của đồ án cùng những kỳ vọng mở ra cơ hội phát triển mới cho Thủ đô.

Bài 1: Nhìn về “đại quy hoạch” Hà Nội sau mở rộng

Chặng đường đổi mới và phát triển, trong đó có những bước “chuyển mình” lịch sử của Thủ đô Hà Nội luôn gắn với những đồ án quy hoạch quan trọng. Trong dòng lịch sử 1954-2022 với 7 lần điều chỉnh quy hoạch, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 - được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 (Quy hoạch 1259) được giới chuyên gia đánh giá như một “đại quy hoạch” cho một “đại đô thị”.

ha-noi-1.jpg
Thủ đô Hà Nội được định hướng trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Ảnh: Nguyễn Quang

Dấu ấn từ một đồ án quy hoạch tầm vóc

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, từ Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, Thủ đô có 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính (các năm 1961, 1978, 1991 và 2008), gắn liền với 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt (các năm 1962, 1974, 1976, 1982, 1992, 1998, 2011). Trong đó, lần đặc biệt nhất là vào năm 2008, khi Hà Nội mở rộng địa giới lên 3.344km2.

“Gần như ngay lập tức sau khi Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội bắt tay vào nghiên cứu đồ án quy hoạch với quá trình thực hiện hết sức thận trọng, chặt chẽ. Đồ án quy hoạch đã qua các vòng Trung ương thảo luận, Quốc hội thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để sau 3 năm, Hà Nội có được một bản quy hoạch đồ sộ cả về phạm vi, quy mô, cách thức nghiên cứu và mô hình cấu trúc”, ông Đào Ngọc Nghiêm nhớ lại.

“Giới chuyên gia vẫn gọi Quy hoạch 1259 là một “đại quy hoạch” cho một “đại đô thị”, bởi Thủ đô Hà Nội từ diện tích 924km2, tăng 3,6 lần, trở thành một trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới và cũng là đô thị lớn nhất cả nước, tất yếu đặt ra những yêu cầu, thách thức không nhỏ cho quá trình phát triển”, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính kể.

Bộ Xây dựng đã lựa chọn liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkins Eastman - Mỹ, Posco E&C và Jina Hàn Quốc) thông qua thi tuyển ý tưởng quy hoạch quốc tế, phối hợp với Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) và Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện.

KTS Lê Hoàng Phương, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho hay, các lĩnh vực cụ thể trong định hướng quy hoạch chung như dự báo tổng thể kinh tế - xã hội, giải pháp giao thông, phòng, chống ngập lụt, bảo tồn di sản… đều có sự tham gia nghiên cứu của các viện đầu ngành. Nhiều chuyên gia của các trường đại học trong nước, chuyên gia quốc tế cùng nghiên cứu, trao đổi để từ đó chuyển hóa thành các giải pháp quy hoạch xây dựng, quy hoạch không gian phát triển Thủ đô Hà Nội.

“Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã huy động được khối lượng rất lớn cơ sở dữ liệu quy hoạch. Nhiều giải pháp từ tổng thể tới cụ thể đã được nghiên cứu. Lần đầu tiên các lĩnh vực kinh tế, xã hội đã được đề cập trong các giải pháp quy hoạch, làm cơ sở triển khai của các chuyên ngành sâu sau này”, KTS Lê Hoàng Phương nhận định.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng phối hợp với thành phố Hà Nội công bố công khai, rộng rãi tới nhân dân tại Cung Triển lãm kiến trúc quy hoạch xây dựng quốc gia với hệ thống các bản vẽ, thuyết minh, mô hình bằng công nghệ hiện đại. Triển lãm quy hoạch đã thu hút đông đảo nhân dân Thủ đô và cả nước quan tâm, nghiên cứu. Thành phố Hà Nội cũng thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, đào tạo để thông tin quy hoạch được cung cấp đầy đủ tới các đơn vị thuộc Hà Nội để cùng giám sát, thực hiện.

Kiến tạo những thành tựu lớn

ha-noi-2.jpg
Thành phố Hà Nội đã hình thành một số khu đô thị lớn, hoàn chỉnh kiến trúc không gian, chi tiết cảnh quan và dịch vụ xã hội khép kín tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển. Trong ảnh: Một góc Khu đô thị Vinhome Riverside (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế.

Thủ đô Hà Nội được định hướng trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi. Mô hình phát triển chùm đô thị được đưa ra gồm 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các đô thị sinh thái, thị trấn và vùng nông thôn; được kết nối bằng hệ thống đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia.

Sau 12 năm thực hiện, KTS Trần Ngọc Chính đánh giá, những thành tựu thu được rất lớn. Tại khu vực đô thị trung tâm, bộ mặt đô thị chuyển biến tích cực, cảnh quan nâng cao. Thành phố đã hình thành một số khu đô thị lớn, hoàn chỉnh cấu trúc tổng thể, kiến trúc không gian, chi tiết cảnh quan và dịch vụ xã hội khép kín, như The Manor, Mỹ Đình, Mỗ Lao, An Khánh, Gamuda, Ciputra, Vinhome Riverside, Royal City, Times City… tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển.

Một số đơn vị cấp huyện ngoại thành Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư. Xử lý rác thải, nước thải, ô nhiễm ao, hồ... được cải thiện đáng kể. Nếp sống văn minh đô thị có chuyển biến tích cực. Xây dựng nông thôn đạt kết quả nổi bật.

Đáng chú ý, tháng 5-2020, Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, đô thị vệ tinh lớn nhất trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cuối tháng 12-2022, 3 đồ án quy hoạch phân khu đô thị Phú Xuyên, là các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh đầu tiên cũng đã được phê duyệt sau nhiều năm chờ đợi, đánh dấu mốc quan trọng để hai huyện Phú Xuyên, Thường Tín đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch chi tiết và dự án xây dựng, kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bên cạnh đó, Quy hoạch 1259 cũng đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực bảo tồn các di sản văn hóa của Hà Nội, góp phần phát triển và quảng bá hoạt động du lịch cho Thủ đô, đóng góp vào phát triển kinh tế đô thị. Những giá trị văn hóa phi vật thể, di sản văn hóa vật thể đồ sộ cùng cả hệ sinh thái cảnh quan đặc trưng là đô thị với nhiều sông, hồ, cây xanh gắn với vùng sinh thái nông nghiệp được quan tâm gìn giữ, phát triển.

“Có thể nói, Quy hoạch 1259 đã bám sát các yếu tố tạo lập và phát triển kinh tế đô thị để hoạch định chiến lược lâu dài phát triển hài hòa giữa tài nguyên đất đai, con người với hoạt động đô thị để hình thành một đô thị phát triển bền vững”, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy khái quát.

Dưới góc độ quản lý quy hoạch, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh tổng kết, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội từ năm 2011 đến nay.

“Trên cơ sở Quy hoạch 1259, Hà Nội đã phủ kín 100% đồ án quy hoạch chung, đồ án quy hoạch phân khu đô thị và đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện. Các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù được đồng bộ triển khai. Điều này thể hiện quyết tâm rất lớn của thành phố trong hoàn thiện cơ sở pháp lý, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững”, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh đánh giá.

(Còn nữa)