Hà Nội qua ống kính nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc
Đúng vào dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2023), nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Nguyễn Văn Phúc ra mắt tập phóng sự ảnh nghệ thuật “Hà Nội trong trái tim tôi” như một món quà gửi đến Hà Nội - mảnh đất “chôn rau cắt rốn”, quê hương xiết bao yêu thương của ông và cũng dành tặng những người yêu Hà Nội, yêu nghệ thuật.
Một Hà Nội chân thực, đầy cảm xúc
Cuốn sách mà tác giả đặt tên là tập phóng sự ảnh nghệ thuật “Hà Nội trong trái tim tôi” do Nhà Xuất bản Thông tấn ấn hành, đưa người xem cảm nhận một Hà Nội chân thực, bình dị nhưng chất đầy cảm xúc của một người đã gắn bó gần như cả cuộc đời với mảnh đất này. 391 bức ảnh trong cuốn sách kể với người xem câu chuyện về Thủ đô yêu dấu ngàn năm văn hiến, nơi kết tinh văn hóa dân tộc, nơi hội tụ tinh thần hòa bình, hữu nghị, để rồi lan tỏa khắp đất nước, hội nhập với quốc tế.
Ở phần đầu của cuốn sách “Thăng Long - Hà Nội”, tác giả dẫn người xem đến những địa danh quen thuộc của Thủ đô như: Hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích lịch sử - văn hóa Ba Đình, hồ Tây, những ngôi đền “Tứ trấn Thăng Long - Hà Nội”, Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá… ở những điểm nhìn khác nhau, từ quá khứ đến hiện tại, từ ban ngày đến ban đêm, từ xa đến cận, ở trên cao và ngang tầm mắt…
Những bức ảnh cho thấy một Hà Nội vừa nhẹ nhàng, sâu lắng, vừa rực rỡ, sôi động, hiện đại vươn lên nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, đậm đà bản sắc nghìn năm.
Phần 2 của cuốn sách “Những hình ảnh đẹp trên mọi miền đất nước tôi qua” đưa người xem vào những chuyến du ngoạn đến vịnh Hạ Long, Sa Pa, cao nguyên đá Hà Giang, Bà Nà Hills, Hội An, Tây Nguyên… Qua con mắt của một người Hà Nội, vẻ đẹp đất nước hiện lên mới mẻ, độc đáo, tinh tế và lãng mạn…
Đặc biệt, cuốn sách được xuất bản song ngữ Việt - Anh, có thể lan tỏa rộng hơn, để giới thiệu những hình ảnh đẹp, đặc sắc về Hà Nội qua ống kính của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc đến với người nước ngoài.
Bền bỉ sáng tạo nghệ thuật
Lật giở những trang sách ảnh, người xem khó có thể tưởng tượng được tác giả đã ở tuổi 85, bởi nhiều bức ảnh mới chụp năm 2023 này, với góc máy không dễ thực hiện.
Nhà nhiếp ảnh lão thành tâm sự về nguồn cảm hứng giúp ông bền bỉ sáng tạo nghệ thuật đến tận hôm nay: “Là một người con Hà thành, tôi yêu Hà Nội từ con người cho đến cảnh vật. Tôi yêu những điều bình dị của Hà Nội - sự yên ả của hồ Hoàn Kiếm những ngày ngập nắng, dãy nhà nhỏ và xưa cũ ở phố cổ, mùi hoa sữa thoang thoảng qua. Sâu trong thành phố này có một cái duyên ngầm nào đó khiến những ai từng gắn bó đều lưu luyến không muốn rời xa”.
“Làm thế nào để giữ được hồn của quê hương mình? Đó là trăn trở của mỗi người làm nghệ thuật ở mọi thời. Nếu như phim ảnh ghi lại một khoảng thời gian tương đối dài về cảnh vật thì nhiếp ảnh lựa chọn lối đi khác. Nhiếp ảnh là sự bất tử hóa một khoảnh khắc trong cuộc sống, là nghệ thuật lưu giữ ký ức bằng hình ảnh của người nghệ sĩ. Mỗi khoảnh khắc được chụp là vô giá, riêng biệt, độc đáo và duy nhất để khi nhìn lại, những bức ảnh sẽ dẫn lối ta ngược dòng thời gian, đắm mình trong xúc cảm tế vi nhất, lắng lại thành một thời để nhớ”, nghệ sĩ Nguyễn Văn Phúc giãi bày.
Cảm nhận về cuốn sách ảnh của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang chia sẻ: “Những khung cảnh Hà Nội được thể hiện qua góc nhìn vừa mang tính chân thực của ảnh báo chí, vừa có chất nghệ thuật của người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Đó chính là cái chất mà nghệ sĩ Nguyễn Văn Phúc có được khi gắn bó gần như cả cuộc đời của mình với sự phát triển của lĩnh vực ảnh báo chí Thông tấn xã Việt Nam”.
Thưởng thức câu chuyện bằng ảnh dung dị, đời thường từ cuốn sách, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam chia sẻ: “Là một người con được sinh ra và trưởng thành trên đất Hà thành, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc được ôm trọn vẹn tình yêu của người Hà Nội cùng với truyền thống của làng nhiếp ảnh Lai Xá - nơi “chôn rau cắt rốn” của ông. Hai thứ đó đã lắng đọng và hòa quyện vào từng khoảnh khắc bấm máy của ông”.
Về nghệ sĩ lão thành ở tuổi 85 vẫn tràn đầy tình yêu và tâm huyết cảm nhận Hà Nội qua từng khuôn hình, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Minh Đức nhận định: “Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc đã dành cả cuộc đời để thỏa đam mê với nhiếp ảnh. 391 bức ảnh trong cuốn sách như ông nói là dấu mốc quan trọng trong cuộc đời làm báo, sáng tác ảnh. Những tác phẩm “đi cùng năm tháng” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc đã góp phần phát triển nền nghệ thuật nước nhà”.
Với đồ nghề máy ảnh nặng trĩu trên vai, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc vẫn miệt mài trên mỗi góc phố, con đường của Thủ đô để sáng tác. Chắc chắn, ông sẽ tiếp tục mang đến cho công chúng những hình ảnh mới về Hà Nội hôm nay thật độc đáo, tinh tế.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Nguyễn Văn Phúc sinh năm 1938, quê ở Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội. Ông nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm Ảnh - Thông tấn xã Việt Nam. Với hơn 60 năm cầm máy, ông đã nhận nhiều giải thưởng, huy chương ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế; được tặng tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Việt Nam (E.VAPA), Nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc Việt Nam (ES.VAPA).
Hiện, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Phúc là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Người cao tuổi Hà Nội, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), hội viên Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội.