Khai thác giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch
Ngày 9-10, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/HU của Huyện ủy Thanh Oai đã đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/HU về phát triển văn hóa, du lịch; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Thanh Oai, Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025 trong 9 tháng năm 2023, phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm.
Thực hiện Chương trình số 04-CTr/HU của Huyện ủy Thanh Oai, trong 9 tháng năm 2023, toàn huyện có 129/129 thôn, tổ dân phố đăng ký danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa, đạt 100%; 59.358/61.818 hộ đăng ký gia đình văn hóa, đạt 96%. Đặc biệt, 2 làng đăng ký làng văn hóa kiểu mẫu là thôn Tê Quả, xã Tam Hưng và làng Quảng Minh, xã Mỹ Hưng phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí trước tháng 11-2023 để hoàn thiện thủ tục công nhận làng văn hóa kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thôn, phố có nhà văn hóa đạt chuẩn 89/120 thôn, đạt 74,2%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố có sân thể thao 79/120 thôn, đạt 65,8%; tỷ lệ hỏa táng trên địa bàn huyện là 494/789 ca, đạt 62,61%.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan tâm đầu tư, sửa chữa, bảo quản định kỳ, tu bổ, tôn tạo. Huyện tiếp tục chỉ đạo công tác hoàn thiện hồ sơ đề nghị nâng cấp xếp hạng lên cấp quốc gia đặc biệt đối với 2 di tích: Đình (Đền) Nội Bình Đà, xã Bình Minh và Chùa Bối Khê, xã Tam Hưng.
Ngoài ra, huyện đẩy mạnh công tác quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở, xây dựng, đầu tư các công trình y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Tổng số dự án đầu tư về lĩnh vực y tế thành phố hỗ trợ giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn là 7 dự án.
Dự kiến hết năm 2023, số trường công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia là 60/74 trường, đạt tỷ lệ 81,08%, trong đó, cấp mầm non 21/26 trường, đạt tỷ lệ 80,76; cấp tiểu học 17/24 trường, đạt tỷ lệ 70,83%; cấp THCS 20/21 trường, đạt tỷ lệ 95,23%; cấp THPT 2/3 trường, đạt tỷ lệ 66,67%. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề chất lượng cao được thực hiện theo hướng đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu sử dụng lao động.
Đối với phát triển du lịch, huyện triển khai thực hiện đánh giá thực trạng, tiềm năng và định hướng phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tập trung khai thác giá trị văn hóa, lịch sử phục vụ phát triển du lịch của một số di tích, làng nghề như: Làng nghề tương, miến Cự Đà, xã Cự Khê; làng nghề điêu khắc, kim khí Dư Dụ, xã Thanh Thùy; làng nghề làm lồng chim, tạc tượng xã Dân Hòa; làng nghề nón Chuông, xã Phương Trung; phối hợp sản xuất chương trình “Hương vị Tết ở Ước Lễ”…
Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình số 04 Huyện ủy Lê Văn Ân nhấn mạnh: Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Huyện ủy tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đề án, kế hoạch, chỉ tiêu của Chương trình số 04, trong đó chú trọng công tác phối hợp, chủ động triển khai nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành; tiếp tục đề nghị tu bổ, tôn tạo các di tích đã xuống cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở; lập hồ sơ đề nghị nâng cấp di tích Đền Nội Bình Đà (xã Bình Minh), chùa Bối Khê (xã Tam Hưng) từ cấp quốc gia lên cấp quốc gia đặc biệt; thực hiện xây dựng điểm du lịch trải nghiệm, du lịch tâm linh gắn với các di tích, làng nghề…