Văn hóa

Một vùng ký ức của nhạc sĩ Phạm Tuyên

Trà Giang 09/10/2023 - 07:59

Người ta vẫn nói nhạc sĩ Phạm Tuyên là “nhạc sĩ quốc dân” bởi ông có quá nhiều bài hát mà đông đảo công chúng cả nước thuộc “nằm lòng” từ độ tuổi thiếu nhi.

Trong những bài hát của ông luôn thấp thoáng bóng hình Hà Nội - nơi ông sinh ra, lớn lên và gắn bó gần như cả cuộc đời. Mới đây, những ca khúc của ông lại được tập hợp qua một ấn bản rất đặc biệt do chính con gái ông, nhà báo Phạm Hồng Tuyến dày công thực hiện - cuốn sách “Hồi ức tuổi thơ - Bài hát lớn lên cùng con”.

638317675371659019-6ac791cb.jpg
Nhà báo Phạm Hồng Tuyến và cuốn sách “Hồi ức tuổi thơ - Bài hát lớn lên cùng con”.

Hát dưới trời Hà Nội

Trong gia tài âm nhạc đồ sộ lên tới hơn 700 bài của nhạc sĩ Phạm Tuyên có nhiều bài hát hay về Hà Nội: “Hà Nội những đêm không ngủ”, “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, “Có một mùa thu Hà Nội”..., trong đó có chùm 3 bài hát cho thiếu nhi về Hà Nội rất nổi tiếng: “Hát dưới trời Hà Nội”, “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội” và “Ngày hội bên hồ Gươm”.

“Hát dưới trời Hà Nội” được viết năm 1977 và thu thanh ngày 9-10-1977. Điều đặc biệt, ca khúc được thể hiện bởi Đội Sơn Ca của Đài Tiếng nói Việt Nam - niềm tự hào của phong trào ca hát thiếu nhi Việt Nam một thời.

Nhà báo Phạm Hồng Tuyến nhớ lại: “Hôm đó, tôi được bố đưa lên phòng thu M, phòng thu có từ thời Pháp, chuyên để thu dàn nhạc lớn, hợp xướng. Là người chứng kiến buổi thu thanh, đến bây giờ nhớ lại tôi thấy mình vẫn như đang sống những phút giây bồi hồi khó tả khi chuỗi âm thanh đầu tiên của dàn kèn cất lên. Tiếng kèn vừa hào sảng, vừa tha thiết khiến con tim xao xuyến muốn hát theo... “Cờ đỏ thắm ánh lên niềm tin sắt đá/ Ngày càng rạng rỡ Thủ đô chúng ta/ Cả Việt Nam đang vươn lên trong nắng mới/ Rực hồng trái tim đây Hà Nội!”.

“Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội” là ca khúc được nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác để tặng Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ I. Với ca từ ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc, vui tươi, bài hát đã nhanh chóng lan truyền khắp nơi và được cất lên không chỉ ở riêng Hà Nội mà gần như là ở bất kỳ sự kiện gặp gỡ, hoạt động tập thể nào của thanh, thiếu nhi một thời: “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội/ Khăn quàng đỏ rực trong nắng vàng tươi/ Cùng bên nhau giữa tình thương đồng đội/ Những cháu Bác Hồ về từ khắp nơi nơi”...

Về ca khúc này, nhà báo Tạ Bích Loan có viết: “Năm 1981, sau khi đất nước thống nhất, mặc dù còn nhiều gian khổ nhưng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương đã tổ chức được Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất, một sự kiện thực sự mang tính biểu tượng cho sự thống nhất Bắc - Nam...

Một bài hát với giai điệu náo nức say lòng đã gắn kết những đứa trẻ còn xa lạ và e dè vào một tình cảm chung: Tình thương đồng đội bao la. Tình cảm đó đã lan tỏa và gắn kết chúng tôi qua nhiều năm. Cho đến 35 năm sau, khi được gặp và trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhiều bạn tôi rưng rưng nước mắt. Vì bài hát ấy phần nào đó đã xây đắp nên cuộc cống của chúng tôi hôm nay”.

Hát mãi những khúc ca của người con Hà Nội ưu tú

Kể về cha mình, nhà báo Phạm Hồng Tuyến xúc động: “Tôi thấy bố đúng là người con của Hà Nội đích thực. Ông chào đời ở nhà thương phố Hàng Trống, những năm đầu đời thì sống ở phố Hàng Da. Sau bao nhiêu biến cố của gia đình, những năm tháng kháng chiến, dạy học ở xa, bố được quay lại thành phố yêu dấu của mình và gắn bó cả cuộc đời ở đây. Đến tuổi nghỉ hưu, sau nhiều năm công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam rồi Bộ Văn hóa, vào một ngày đẹp trời, ông tới Đại hội của Hội Âm nhạc Hà Nội với tâm thế dự cho vui, ai dè người ta bầu luôn ông làm Chủ tịch Hội. Thế là ở tuổi 65, ông làm Chủ tịch, được tín nhiệm đến 3 nhiệm kỳ, mãi cho tới 80 tuổi thì xin thôi vì lý do sức khỏe, tuổi cao và nay, ông vẫn là Chủ tịch danh dự của Hội. Thế mới thấy, từ khi lọt lòng tới tuổi xế chiều, ông luôn gắn bó và làm thật nhiều việc cho Hà Nội. Năm 2011, đúng dịp 10-10, ông được trao danh hiệu Công dân Ưu tú của Thủ đô. Tại buổi lễ, ông hài hước tâm sự: Cả đời tôi đã là công dân Thủ đô, đến cuối đời được mang thêm hai chữ “ưu tú”.

Với những tình cảm đặc biệt dành cho bố mình, nhà báo Phạm Hồng Tuyến vừa hoàn thiện, giới thiệu đến độc giả phiên bản 2 của cuốn sách “Hồi ức tuổi thơ - Bài hát lớn lên cùng con”. Những câu chuyện gia đình, kỷ niệm của cô con gái nhỏ với bố từ 50 năm trước, gắn với những ca khúc nổi tiếng của vị nhạc sĩ tài hoa hiện lên sinh động, trong trẻo, gợi ra cả một vùng ký ức của người Hà Nội.

Điều đặc biệt, đây là một xuất bản phẩm tích hợp đa phương tiện. Sách thiết kế đẹp, có nhiều minh họa dễ thương do họa sĩ trẻ Hồ Hoàng Anh của Mía Studio thực hiện. Ở mỗi bản nhạc đều có 2 mã QR, một để người đọc có thể vào nghe bài hát và một để nghe bản audio của sách.

Chị Phạm Hồng Tuyến nói: “Sách viết về bài hát mà không nghe được bài hát thì rất phí và trong 30 năm qua mình cũng tích góp được nhiều tư liệu cho bố, cả audio, video, những gì còn thiếu mình cũng đã làm mới. Sau dịch Covid-19, mã QR trở nên thân thiết với mọi người, chỉ một mã QR có thể quét ra cả thế giới đa phương tiện rất hay và mình đã áp dụng luôn vào cuốn sách lần này”.

Hàng chục năm qua, cô con gái út của nhạc sĩ Phạm Tuyên đã cần mẫn tích góp tư liệu để làm phong phú hơn, giúp người nghe có thể tiếp cận gia tài âm nhạc đồ sộ của bố mình một cách thuận tiện hơn.

“Khi tôi mang cuốn sách này về cho bố tôi, ông rất vui, ở tuổi 94, tuy sức khỏe đã giảm sút nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Tôi làm những điều này không chỉ vì tình cảm với bố, mà còn với mong muốn những tác phẩm đặc biệt của ông được vang mãi trong cuộc sống hôm nay, với thế hệ trẻ, để tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn các em” - nhà báo Phạm Hồng Tuyến tâm sự.