Môi trường

Huyện Phú Xuyên: Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề

Hoàng Văn 09/10/2023 - 07:04

Bên cạnh giá trị kinh tế của các làng nghề mang lại, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực này đang là thách thức lớn đối với Phú Xuyên. Để làng nghề phát triển bền vững, các cấp chính quyền và người dân trong huyện đã, đang chung tay, nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường làng nghề xanh, sạch, đẹp.

phu-xuyen.jpg
Cơ sở sản xuất giày da Phú Khang (xã Phú Yên) phân loại chờ công ty môi trường đến thu gom, đưa đi xử lý.

Những chuyển biến tích cực

Những ngày đầu tháng 10 này, về làng nghề giày da Phú Yên (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên), đường làng, ngõ xóm đã thông thoáng, sạch đẹp hơn, không còn cảnh đổ trộm chất thải, đốt chất thải ở ven đường, vệ sông... Thay vào đó, các hộ sản xuất chứa chất thải vào bao tải chờ công nhân môi trường đến mang đi xử lý.

Ông Lê Văn Thắng - chủ cơ sở sản xuất giày da Phú Khang ở thôn Giẽ Hạ (xã Phú Yên) cho biết, trước kia do không thuê được đơn vị thu gom nên gia đình ông thường để chất thải làng nghề lẫn với rác thải sinh hoạt. Ba năm nay, thôn Giẽ Hạ đứng ra ký hợp đồng với một doanh nghiệp về thu gom, do vậy, các gia đình đã phân loại rác theo hướng dẫn và đưa đi xử lý.

“Mỗi ngày, cơ sở sản xuất của gia đình tôi thải ra 5-7kg da vụn, đế cao su hỏng. Số chất thải này, tôi yêu cầu công nhân cho vào bao tải, chờ Công ty Môi trường công nghệ cao Hòa Bình đến thu gom, bảo đảm vệ sinh môi trường”, ông Lê Văn Thắng chia sẻ.

Cũng như gia đình ông Thắng, gần 500 hộ sản xuất giày da ở xã Phú Yên đều có ý thức thu gom, tách riêng chất thải làng nghề với rác thải sinh hoạt để đưa đi xử lý. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Yên Nguyễn Việt Chiến cho hay, thực hiện chỉ đạo của huyện Phú Xuyên về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến các hộ làm nghề, UBND xã Phú Yên đã giao cho lãnh đạo các thôn đến từng hộ sản xuất vận động ký cam kết không đổ chất thải ra môi trường.

Bên cạnh đó, UBND xã liên hệ với doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải công nghiệp về thu gom với mức giá 13,2 triệu đồng/tháng/làng nghề. Đến nay, sau 3 năm triển khai, xã Phú Yên đã áp dụng phân loại chất thải ở 4 làng nghề, với hàng nghìn hộ dân tham gia, tổng khối lượng chất thải thu gom được hơn 400 tấn/năm. Nhờ đó, đường làng, ngõ xóm trong xã đã phong quang, sạch đẹp hơn…

Tương tự, tại làng nghề sản xuất túi xách bằng da thôn Thao Ngoại (xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên), vốn là điểm “nóng” về đốt chất thải, gây ô nhiễm môi trường cũng đang được tập trung giải quyết. Hằng tuần, UBND xã Sơn Hà giao Hội Nông dân, Đoàn thanh niên xã thu gom, phân loại chất thải rắn, vỏ chai nhựa… bán gây quỹ giúp đỡ các hộ khó khăn. Hiện tại, việc làm này đã tạo thành phong trào có tính lan tỏa, thu hút hơn 100 cơ sở sản xuất túi xách ở thôn Thao Ngoại tham gia, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng đốt chất thải.

Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Xuyên Nguyễn Trùng Dương, toàn huyện hiện nay có 43 làng nghề truyền thống. Để phát triển làng nghề theo hướng bền vững, trong những năm qua, UBND huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các xã có làng nghề rà soát, hướng dẫn các hộ sản xuất biện pháp bảo vệ môi trường. Đặc biệt, UBND huyện đã nêu đích danh các xã còn để tình trạng người dân đốt chất thải, đổ trộm chất thải ra môi trường. Trên cơ sở đó, huyện yêu cầu các xã khẩn trường hoàn thiện phương án thu gom, phân loại, xử lý và hằng tháng báo cáo tiến độ thực hiện về UBND huyện, quyết tâm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề trên địa bàn…

Phấn đấu xử lý 100% chất thải làng nghề

Để xử lý triệt để chất thải trong các làng nghề, UBND huyện Phú Xuyên yêu cầu các đơn vị chức năng vận dụng hiệu quả công cụ chính sách, pháp luật vào công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đặc biệt là chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho làng nghề truyền thống. Huyện thường xuyên đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, xác định danh sách các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng để có biện pháp khắc phục. Trong đó, huyện lập kế hoạch di dời các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao vào cụm công nghiệp; chuyển đổi ngành nghề sản xuất, không hình thành các nghề mới gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, thời gian qua, cơ quan chức năng của huyện đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề hoặc cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư. Qua đó, đánh giá mức độ ô nhiễm, tình trạng xử lý chất thải, công khai, minh bạch thông tin về mức độ ô nhiễm và cập nhật thông tin làng nghề ô nhiễm nặng.

Đặc biệt, huyện đã xây dựng được phương án bảo vệ môi trường cho 42/43 làng nghề truyền thống. Hằng năm, huyện đều lập và thực hiện kế hoạch đầu tư nâng cấp các hạng mục công trình bảo vệ môi trường đối với các điểm tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp chưa bảo đảm điều kiện về môi trường; khuyến khích các làng nghề thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn.

Huyện Phú Xuyên đặt mục tiêu đến năm 2025, tạo chuyển biến rõ nét trong xây dựng các giải pháp tổng thể về xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Định hướng đến năm 2030, bảo đảm 100% các làng nghề của huyện đáp ứng đầy đủ điều kiện về môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm, đưa huyện Phú Xuyên phát triển hài hòa, bền vững.