Indonesia: Nỗ lực bảo tồn di sản kiếm Kris
Là một trong mười hai Di sản văn hóa phi vật thể của Indonesia được UNESCO phong tặng, song những năm gần đây, kiếm Kris đang đứng trước nguy cơ thất truyền “bí kíp chế tác”.
Để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thế giới này, một số nghệ nhân Indonesia đang nỗ lực trao truyền cho thế hệ sau công thức làm kiếm và lan tỏa giá trị của báu vật này.
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Kris xuất hiện từ thế kỷ X tại đảo Java, sau đó lan ra nhiều quốc gia Đông Nam Á.
Ban đầu, Kris chỉ được xem như một vũ khí lợi hại của các chiến binh. Qua thời gian, cây kiếm này dần trở thành biểu tượng của sức mạnh, được coi là một vật thể mang ý nghĩa tâm linh, thường xuất hiện trong các nghi lễ của đạo Hindu và lễ cưới truyền thống của người Java (Indonnesia).
Thanh Kris được chia làm ba phần: Lưỡi, cán và vỏ, tất cả đều được gia công tỉ mỉ. Lưỡi Kris có hai hình dạng cơ bản. Lưỡi thẳng, tượng trưng cho rắn thần Naga trong văn hóa Hindu đang nằm yên. Lưỡi lượn sóng, thể hiện khi Naga đang di chuyển. Ở nơi chắn tay của kiếm, người ta có thể thấy biểu tượng voi thần Ganesha và trên cán cầm là chim thần Garuda.
Kiếm Kris thường được làm từ kim loại, một số có khảm ngọc, hay làm từ vàng, bạc. Những thanh kiếm quý giá này thường là của tầng lớp quý tộc và nhìn vào một thanh kiếm, người ta có thể biết được địa vị xã hội của chủ nhân thanh kiếm.
Nói đến Kris, các nhà văn hóa Indonesia thường nhắc tới ông Ketut Mudra - người thuộc thế hệ thứ 9 trong một gia tộc có truyền thống rèn kiếm. Dù nắm giữ trong tay những bí quyết chế tạo loại vũ khí truyền thống này, thế nhưng Ketut Mudra chỉ bắt tay vào rèn kiếm từ năm 2000 - khi ông đã bước sang tuổi 50.
Ông Ketut Mudra cho biết, Ketut là một dòng tộc được xếp vào nhóm Pande Besi - là những thợ rèn cao cấp được phép chế tạo Kris. Làng Kusamba, quê hương của ông, từng là trung tâm sản xuất Kris cho toàn bộ khu vực huyện Klungkung của đảo Bali.
Tuy nhiên, sau cuộc chiến Kusamba vào năm 1849, Klungkung đã nằm dưới ách cai trị của người Hà Lan. Để ngăn ngừa các cuộc nổi dậy của người dân bản địa, toàn bộ lò rèn tại Kusamba đã bị phá bỏ. Trong một thời gian dài, gia đình Ketut phải bí mật chế tạo Kris.
Theo ông Ketut Mudra, ngày nay, chỉ còn lại một số ít đàn ông ở Bali có thể chế tạo kiếm Kris bằng phương pháp truyền thống. “Lịch sử 150 năm của những người làm Kris ở Klungkung đã chìm vào ký ức xa xôi. Nhiều người đã chuyển sang làm đồ trang sức để kiếm sống. Ngay cả gia đình tôi cũng từng đánh mất kiến thức về nghề gia truyền đáng tôn kính” - ông Ketut Mudra chia sẻ.
Thật may mắn, đến năm 1987, một cơ duyên đã đưa ông Ketut Mudra đến miền Trung Java. Tại đây, ông đã tìm lại được cách rèn ra thanh kiếm thiêng. Từ đó đến nay, Ketut Mudra ngày ngày làm việc tại lò rèn, hướng dẫn tỉ mỉ cho con trai Komang Oka với quyết tâm duy trì nghề truyền thống cho thế hệ sau.
Ngày nay, rất nhiều Kris giá rẻ được bán ở Indonesia, nhưng hầu hết đều được sản xuất hàng loạt trong các nhà máy và thiếu đi sự tinh tế cũng như độ bền của loại kiếm truyền thống. Những nghệ nhân như Ketut Mudra rèn kiếm thủ công từ quặng sắt trong lò nung nóng. Sau công đoạn tạo hình, Kris sẽ được chạm khắc với những hoa văn phức tạp, rồi khảm đá dựa trên yêu cầu của khách hàng.
Ketut Mudra cho biết, đối với người Java, Kris chứa đựng đủ 5 yếu tố tự nhiên: Nước - Lửa - Đất - Khí - Linh hồn. Kris có khoảng 40 dạng lưỡi phổ biến và 100 cách chế tác. Không chỉ là vũ khí, Kris còn là một biểu tượng văn hóa, tập trung mọi tinh hoa của người Java từ kỹ thuật luyện kim cho đến điêu khắc. Nếu không gìn giữ, Indonesia sẽ mất đi một nét truyền thống quý giá.
Cùng với mong muốn gìn giữ và lan tỏa giá trị của kiếm Kris, song nghệ nhân Mangmong Lembu Bara đã chọn cách làm khác. 8 năm trước, bậc thầy thợ thủ công này khiến cộng đồng ngạc nhiên khi sử dụng kênh YouTube hướng dẫn kỹ thuật chế tạo Kris. Lo lắng về tương lai của thanh kiếm linh thiêng khi số nghệ nhân biết làm Kris ngày càng ít dần, Lembu Bara cho rằng, mạng xã hội là phương tiện hữu hiệu để lưu giữ và phổ biến cách làm kiếm một cách rộng rãi cho các thế hệ thợ rèn mới.
Trên thực tế, cách làm của Lembu Bara còn thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ và nhà sưu tầm trên thế giới. Rất nhiều người đã vào xem kênh YouTube của anh và hỏi về thanh kiếm này. Đây có thể coi là một kinh nghiệm hay trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Toàn cầu hóa đang đặt ra những thách thức đáng kể đối với sự tồn tại của các nghề thủ công truyền thống, buộc các nghệ nhân phải tìm ra cách để thích ứng, tồn tại và bảo tồn di sản. Chính bởi thế, UNESCO khuyến khích các nghệ nhân tiếp tục sản xuất và truyền đạt kỹ năng cũng như kiến thức của họ cho người khác, đặc biệt là các thành viên trong chính cộng đồng. Đó cũng chính là những phương cách bảo tồn di sản mà các nghệ nhân làm kiếm Kris đang nỗ lực mỗi ngày.
Bên cạnh đó, UNESCO cho rằng, chính quyền địa phương cũng nên kết hợp các chính sách thúc đẩy du lịch, thu hút du khách tham quan, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao đời sống tại các làng nghề để quá trình bảo tồn di sản trở nên bền vững.