Lao động - Việc làm

Sửa luật để giữ người lao động trong hệ thống an sinh

Hà Phong 09/10/2023 - 06:18

Làm thế nào để hạn chế tối đa việc người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thực hiện được mục tiêu mở rộng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân sau độ tuổi lao động là vấn đề nhận được sự quan tâm của Công đoàn và các bộ, ngành liên quan.

Bởi thực tế, nhiều người lao động vẫn từ bỏ việc tham gia bảo hiểm xã hội để giải quyết nhu cầu trước mắt.

an-sinh-1.jpg
Mở rộng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân sau độ tuổi lao động là vấn đề nhận được sự quan tâm của Công đoàn và các bộ, ngành liên quan. Ảnh: Nhật Nam

Cân nhắc phương án tối ưu

Sau bữa cơm tối, chị Nguyễn Thị Hoài (quê tỉnh Nam Định; ở trọ tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) lại đi làm giúp việc theo giờ đến đêm khuya. Chị Hoài tâm sự: "Trung bình mỗi ngày làm từ 20h đến 23h, tôi nhận được 180.000 đồng. Đây là nguồn thu nhập chính của tôi sau khi bị mất việc lao công tại một chung cư trong bốn tháng qua. Tôi mong muốn tiếp tục được đóng bảo hiểm xã hội như trước đây, nhưng khi bị mất việc mới ngoài 30 tuổi, con lại vừa vào năm học mới, bao nhiêu thứ phải lo nên buộc phải rút bảo hiểm xã hội một lần”.

Thực tế, trường hợp như chị Hoài không phải là hiếm. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Trước thực tế trên, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có điểm mới là giảm số năm đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, cũng như mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp hưu trí.

Đáng lưu ý, trong dự thảo Luật đã điều chỉnh quy định về chế độ bảo hiểm xã hội một lần với nhóm lao động sau 12 tháng nghỉ việc khá linh hoạt. Phương án 1, với người lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến trước năm 2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần. Với người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ khi luật mới có hiệu lực trở đi (dự kiến từ năm 2025 trở đi) không được nhận bảo hiểm xã hội một lần (trừ các trường hợp ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo, đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện nhận lương hưu).

Phương án 2, sau 12 tháng nghỉ việc, đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm được nhận bảo hiểm xã hội một lần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Về vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm, đây là vấn đề có ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, do đó, cần tiếp tục đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng, bao quát đối với nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tham vấn công chúng rộng rãi hơn về các phương án dự kiến sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo nghiên cứu tích hợp, sử dụng những mặt tốt nhất của 2 phương án và các ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội để đề ra một phương án tối ưu.

an-sinh-2.jpg
Những chính sách linh hoạt, hợp lý, bảo đảm đầy đủ quyền lợi sẽ giữ người lao động tham gia hệ thống an sinh xã hội. Ảnh: Nhật Nam

Bảo đảm công bằng cho người lao động

Cho rằng mỗi người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là một trường hợp rời khỏi hệ thống an sinh xã hội, bởi khi về già họ không có lương hưu, không được hưởng bảo hiểm y tế cùng các chế độ khác; hàng triệu trường hợp như vậy sẽ tạo áp lực rất lớn cho cộng đồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội Nguyễn Văn Hòa đồng tình với chủ trương linh hoạt, giảm điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu.

Ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng, theo hướng đi này sẽ tạo được cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc những người tham gia không liên tục đều được hưởng lương hưu hằng tháng. Song, để bảo đảm công bằng cần xem xét điều chỉnh cách tính lương hưu đối với người lao động khối doanh nghiệp ngoài nhà nước theo lộ trình tương tự như người lao động làm trong các đơn vị nhà nước.

Ở góc nhìn khác, Liên đoàn Lao động quận Đống Đa cho hay, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chỉ quy định cho đối tượng là nhân viên của hộ kinh doanh cá thể mà chưa có quy định cho chủ hộ. Thực tế hiện nay tại quận Đống Đa có rất nhiều chủ trường mầm non tư thục vừa là chủ, vừa là nhân viên của trường. Trong khi nhân viên của họ có giao kết hợp đồng thì được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng với chủ hộ kinh doanh cá thể có điều kiện để mua lại phải đứng ngoài cuộc.

Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu cho phép chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi các quy định pháp lý được sửa đổi thì đây sẽ là nhóm đối tượng có thể tham gia bảo hiểm xã hội ở mức đóng cao và bền vững, góp phần vào bảo đảm ổn định của hệ thống an sinh xã hội, tăng thêm diện bao phủ bảo hiểm xã hội, phù hợp với định hướng bảo hiểm xã hội đa tầng theo Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.