Vai trò của nghệ nhân
Với 1.793 di sản đã được kiểm kê, Hà Nội là đơn vị có số lượng di sản văn hóa phi vật thể nhiều nhất cả nước. Kho tàng quý giá đó cần được bảo tồn, trao truyền, phát huy giá trị và quá trình đó không thể thiếu sự tham gia của các nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Dưới đây là một số ý kiến về vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Hà Nội:
Giúp nghệ nhân có điều kiện thực hành di sản là cách bảo tồn hiệu quả nhất
Thực tiễn cho thấy, bên cạnh điều kiện về kinh tế - xã hội..., cộng đồng nào biết trân trọng những giá trị truyền thống thì cộng đồng đó sẽ bảo tồn tốt di sản. Ngược lại, những cộng đồng không ý thức được về quyền được bảo vệ và giá trị của di sản mà mình nắm giữ thì sẽ khiến di sản đối diện với nguy cơ mai một hoặc biến mất hoàn toàn.
Trong quá trình gìn giữ, bảo tồn di sản, không thể không nhắc tới vai trò của nghệ nhân - những người trực tiếp nắm giữ tri thức thực hành di sản văn hóa. Họ được tiếp cận với di sản từ nhỏ, được học và thực hành hằng ngày, được truyền dạy, kế thừa rồi tiếp tục thực hành, trao truyền cho thế hệ kế tiếp.
Quá trình thực hành là quá trình sáng tạo, bởi mỗi lần thực hành là một lần thể hiện khác nhau. Nhờ họ, nhiều di sản đã được “cứu” thành công trước nguy cơ mai một. Có thể kể tới Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Nguyễn Thị Vẫy, cố NNƯT Nguyễn Thị Lơ (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín); NNƯT Kiều Thị Chải (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên); NNƯT Nguyễn Văn Bôn (xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ)..., những người đã có đóng góp quan trọng, giúp ngành Văn hóa Thủ đô cùng chính quyền địa phương có chính sách bảo vệ khẩn cấp trước nguy cơ di sản biến mất hoàn toàn.
Có thể khẳng định, nghệ nhân như “bảo tàng sống”, họ đang từng ngày lưu giữ, thực hành và nâng tầm di sản văn hóa phi vật thể. Hoạt động của nghệ nhân không chỉ góp phần bảo vệ di sản, mà còn giúp cho di sản sống động trong đời sống đương đại. Vậy nên, tôn vinh nghệ nhân, giúp nghệ nhân có điều kiện thực hành di sản là cách bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể thiết thực và hiệu quả nhất.
Tiến sĩ Phạm Cao Quý, Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa:
Các chính sách cần hướng tới phát triển các hoạt động sáng tạo
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã thể hiện sự quan tâm đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể qua việc phong tặng danh hiệu - thể hiện qua việc sửa đổi Luật Thi đua, Khen thưởng, Luật Di sản văn hóa, ban hành Nghị định 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu..., ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP về hỗ trợ cho nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Song, chính sách cần có đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể không chỉ có thế. Với vai trò quan trọng và đặc điểm riêng của nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể, việc ban hành và thực thi chính sách đối với họ phải hướng vào việc góp phần phát triển cộng đồng ở cả hai mặt là nhận thức và sinh kế (an sinh xã hội) để di sản văn hóa phi vật thể thực sự gắn liền với mục tiêu và động lực phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, các chính sách cần hướng tới phát triển các hoạt động sáng tạo nhằm tạo các sản phẩm văn hóa chất lượng cao dựa trên nền tảng di sản văn hóa phi vật thể, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, gìn giữ sự giàu có, đa dạng của văn hóa các dân tộc.
Song hành với các chính sách đãi ngộ, tôn vinh đối với nghệ nhân, cộng đồng thì các đối tượng được thụ hưởng chính sách cũng cần phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ đối với di sản, đó là không ngừng hoàn thiện tri thức và kỹ năng; tích cực truyền dạy, phổ biến tri thức, kỹ năng và luôn phải giữ được tiêu chuẩn khi được xét tặng các danh hiệu.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh:
Tạo sân chơi giúp nghệ thuật trình diễn dân gian “sống” trong cộng đồng
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống trong cộng đồng, trong đó tập trung tuyên truyền đối với chủ thể văn hóa là các cá nhân đang nắm giữ di sản văn hóa.
Công tác sưu tầm, lưu trữ các tác phẩm, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống cần huy động các chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ chuyên môn ở Trung ương và địa phương tham gia sưu tầm, triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học.
Cùng với chính sách tôn vinh kịp thời các nghệ nhân, diễn viên biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hằng năm cần có chính sách đầu tư kinh phí cho các môn nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống để phục dựng những tác phẩm nổi tiếng trong nghệ thuật tuồng, chèo, ca trù, múa rối nước, từ đó góp phần bảo tồn nghệ thuật trình diễn ở địa phương.
Muốn nuôi dưỡng di sản một cách bền vững, cần xây dựng chương trình gắn kết giữa bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật biểu diễn, chẳng hạn như phối hợp với các di tích, điểm du lịch, ban tổ chức lễ hội định kỳ tổ chức biểu diễn phục vụ du khách tham quan; phối hợp với các công ty du lịch mở tour văn hóa tâm linh, thăm các di tích, lễ hội, làng nghề truyền thống kết hợp với thưởng thức các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian tại địa phương.
Định kỳ hằng năm, cần tổ chức các lớp đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao nhằm kịp thời bổ sung đội ngũ kế cận - chủ nhân tương lai của di sản. Đồng thời, định kỳ 2 năm một lần tổ chức liên hoan sân khấu không chuyên để tạo sân chơi cho các môn nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống, qua đó tạo nên phong trào văn hóa, văn nghệ sâu rộng trong quần chúng nhân dân, giúp nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống “sống” trong cộng đồng.