Tái hiện hào khí Hà Nội xưa với “Đào, phở và piano”
“Đào, phở và piano” - bộ phim mới của đạo diễn Phi Tiến Sơn vừa ra mắt, tái hiện những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô năm 1946.
Tác phẩm điện ảnh nghệ thuật về đề tài chiến tranh cách mạng này mang đến cho người xem một góc tiếp cận vừa lãng mạn, vừa bi tráng của đất và người Hà Nội xưa.
- Thưa đạo diễn Phi Tiến Sơn, ngay từ đầu ông đã xác định “Đào, phở và piano” là một dự án khó?
- Năm 1946, quân và dân Hà Nội hưởng ứng "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Cụ Hồ, cùng tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Đây là một thời khắc lịch sử đặc biệt. Tôi đã hoàn thành kịch bản bộ phim từ khá lâu nhưng trong bối cảnh khó khăn chung nên đến năm nay mới có thể hoàn thành bộ phim.
Khi nhận được lời mời thực hiện phim này, tôi đã hình dung đây là một bộ phim rất khó làm và ở độ tuổi của tôi, nếu không làm bây giờ thì sẽ không bao giờ làm được. Bởi thế hệ đạo diễn trẻ sau này có sự hiểu, cảm nhận về Hà Nội khác thế hệ chúng tôi.
Tôi vẫn muốn thông qua bộ phim này có thể truyền cảm hứng từ cái hào khí của đất người Hà Nội xưa vào điện ảnh. Như một trách nhiệm, tôi đã nhận lời tham gia trong vai trò đạo diễn, biên kịch.
- Với “Đào, phở và piano”, khó khăn lớn nhất của đoàn làm phim là gì?
- Ở Hà Nội giờ không có nơi nào có được 3 ngôi nhà cạnh nhau mang kiến trúc thời Pháp, phù hợp với thời điểm năm 1946. Chưa kể sự xuất hiện của những biển hiệu quảng cáo, dây điện, âm thanh đường phố cũng rất khác xưa… Khả năng để tìm được nơi thực hiện các cảnh quay phù hợp bối cảnh gần như không có.
Vì thế, chúng tôi quyết định dựng lại bối cảnh, với một khu phố dài hơn 100m, hai bên hè là nhà và có tàu điện. Những ngôi nhà ấy cũng phải thể hiện dấu ấn thời gian. Việc làm cho nó cũ kỹ cần những người có kinh nghiệm, có tay nghề cao.
Ê kíp làm phim có lúc lên tới 50 người; họ là những người nhiệt tâm, tận tình hỗ trợ để đoàn có được cảnh quay lớn. Rất vui là sau bộ phim này, một đội ngũ xây dựng bối cảnh được hình thành.
- Mong muốn gửi tới công chúng yêu điện ảnh tâm hồn, khí phách của con người Hà Nội thời điểm năm 1946 nhưng trong thực tế, việc thực hiện bộ phim này có đúng với hình dung của ông không?
- Với điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung, rất khó để có câu trả lời rạch ròi. Thay vào đó là những cảm nhận, rung động của mình. Cảm nhận của tôi xoay quanh nét đặc biệt, riêng có của Hà Nội và mong muốn được làm một điều gì đó.
Như một cơ duyên, tôi đã gắn bó với dự án phim này. Câu hỏi đặt ra là: Ý chí chống xâm lược của người Hà Nội có gì đặc biệt? Khi gặp gỡ với các cựu chiến binh, tôi cảm nhận được sự hồn nhiên, không đặt câu hỏi được gì hay mất gì, mọi người tham gia vào cuộc chiến với tâm thế gần giống như một “cuộc chơi”.
Cuộc chơi ấy thể hiện phần nào đó chất lãng mạn chăng? Vì thế, cái chết đối với họ cũng đơn giản, nhẹ nhàng. Đó là điều chúng ta cần phải nhắc đến trong cuộc sống đầy phức tạp, lăn lộn kiếm sống và luôn phải đặt ra câu hỏi được gì và mất gì như hiện nay.
Kịch bản phim được khơi gợi qua một câu chuyện mà tôi được nghe kể lại. Hồi mới tiếp quản Thủ đô, trong một dịp, người ta đưa đàn piano ra hồ Gươm, hai nghệ sĩ cùng chơi đàn.
Tôi cứ ngạc nhiên khi nghe câu chuyện ấy và được nghe lời giải thích là hồi ấy trật tự lắm, xe cộ không nhiều như bây giờ, xe đạp cũng hiếm. Biểu diễn và thưởng thức âm nhạc trong một không gian rộng như thế, ở nơi trái tim Thủ đô là điều vô cùng đặc biệt và cũng rất đáng nể với những người tổ chức. Hình ảnh đó cứ ở trong tôi mãi và khi làm kịch bản phim “Đào, phở và piano”, tôi chắc chắn rằng sẽ có hình ảnh chiếc đàn piano trong đó.
- Tôn vinh cái đẹp là thông điệp xuyên suốt bộ phim. Những câu chuyện của các nhân vật có phải cũng bám sát thông điệp này, thưa ông?
- Người dân Hà Nội thời bấy giờ có thợ thuyền, tiểu thương, trí thức, học sinh, nhà tư sản…, cũng có sự khác biệt giữa khu phố cổ, phố Tây, vùng ngoại ô. Sự khác biệt rõ ràng hơn bây giờ rất nhiều. Tôi phải tìm các nhân vật sao cho đa dạng, hòa trộn giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa yêu nước để làm toát lên được tinh thần của cuộc chiến tranh toàn dân, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài toán đặt ra là: Làm sao để những nhân vật ấy vừa mang tính đại diện cho tầng lớp của họ, vừa hòa mình vào cuộc chiến.
Tôi cũng may mắn khi có được ý kiến đóng góp của những người có chuyên môn, của đồng nghiệp để hoàn thiện kịch bản phong phú và sinh động hơn. Bên cạnh đó, có những bối cảnh quay khó mượn như trường Chu Văn An, chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ.
Hay với ca sĩ Tuấn Hưng (vai ông Phán), khi đề nghị anh ấy tham gia bộ phim, tôi rất bất ngờ khi nghe nam ca sĩ nói: “Làm được cái gì tốt cho Hà Nội thì tôi sẽ làm”. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến có gợi ý tên phim là “Ngày tận hiến”. Tôi đã cân nhắc, nhưng có lẽ chữ “tận hiến” nên dành tặng cho đoàn phim này, bởi họ đã tận tâm, tận tình không quản ngày đêm.
- Trân trọng cảm ơn đạo diễn Phi Tiến Sơn!