Kinh tế

Sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam: Nâng cao chất lượng để giữ vững vị thế

Thanh Hiền 08/10/2023 - 07:34

Trong giai đoạn 2018-2022, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam sử dụng các sản phẩm làm đẹp tăng từ 76% lên đến 86% và dự kiến tốc độ tăng trưởng hằng năm của thị trường mỹ phẩm sẽ tiếp tục duy trì ở mức 15-20%.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng cũng đi kèm những thách thức khi cạnh tranh trong ngành mỹ phẩm ngày càng cao. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ vững vị thế.

my-pham.jpg
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm ở cửa hàng Matsukiyo - chuỗi bán lẻ của Nhật Bản về làm đẹp và chăm sóc sức khỏe tại Vincom Mega Mall, Khu đô thị Times City (quận Hai Bà Trưng).

Sản phẩm ngoại nhập chiếm lĩnh thị trường

Mới đây, Matsumoto Kiyochi (Matsukiyo) - chuỗi bán lẻ hàng đầu Nhật Bản về làm đẹp và chăm sóc sức khỏe với hơn 1.800 cửa hàng khắp nước Nhật Bản đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại tầng B1, Vincom Mega Mall, Times City (Hà Nội).

Giám đốc điều hành Công ty Matsukiyo Việt Nam Hiroki Miyaoka cho biết: “Thị trường Thủ đô Hà Nội được Matsukiyo xác định là một điểm nhấn quan trọng trong chiến lược mở rộng. Là trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị, Hà Nội không chỉ đại diện cho sự đa dạng và tiềm năng của thị trường Việt Nam, mà còn là tâm điểm của nhu cầu ngày càng cao trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp”.

Năm 2023 đã chứng kiến sự bùng nổ của thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam, với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc và sự đa dạng hóa sản phẩm. Người tiêu dùng ngày càng coi trọng sức khỏe và làn da, dẫn đến nhu cầu cao về mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ. Điều này mở ra nhiều cơ hội mới cho các hãng mỹ phẩm tham vọng phát triển thị phần nhiều hơn so với hiện tại, cũng như những hãng mỹ phẩm mong muốn bắt đầu thâm nhập vào thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, hiện có tới khoảng 93% sản phẩm chăm sóc cá nhân tiêu thụ tại Việt Nam có nguồn gốc nhập khẩu, với trị giá nhập khẩu tăng trưởng trung bình là 11%. Trong đó, chiếm ưu thế là sản phẩm đến từ Hàn Quốc với 30% tổng thị phần, theo sau là Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan và Hoa Kỳ. Ngoài ra, các sản phẩm đến từ Trung Quốc và Singapore hiện cũng chiếm một tỷ lệ thị phần nhất định.

Tuy nhiên, các chuỗi bán lẻ mỹ phẩm trên mới chỉ tập trung phát triển tại một số đô thị lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh - những nơi tập trung nhiều đối tượng khách hàng trung lưu và thượng lưu với nhu cầu sử dụng mỹ phẩm cao.

Theo số liệu của Công ty Nghiên cứu thị trường AMR, quy mô thị trường sản phẩm chăm sóc da tại Việt Nam là 989,7 triệu USD vào năm 2021 và dự kiến vào năm 2027 sẽ là 1,922 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) là 11,7% giai đoạn 2021-2027. Cùng với đó, doanh thu trên thị trường mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân đạt 2,29 tỷ USD vào năm 2021, với dự kiến tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) là 6,2% giai đoạn 2021-2025. Trong khi đó, sản phẩm chăm sóc da là loại sản phẩm được ưa chuộng nhất, với hơn 60% người tiêu dùng sử dụng mỗi ngày.

Thương hiệu nội địa dần khẳng định chỗ đứng

Trên thị trường Việt Nam, ngành mỹ phẩm đang phát triển mạnh mẽ và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Theo báo cáo của Hiệp hội Chăm sóc cá nhân Việt Nam, tổng giá trị sản xuất của ngành mỹ phẩm tại Việt Nam đạt khoảng 24 tỷ USD vào năm 2021.

Các thương hiệu trong nước hiện chủ yếu tập trung phát triển phân khúc sản phẩm giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu làm đẹp cơ bản nhất của người tiêu dùng. Độ am hiểu thị trường và đặc điểm của người tiêu dùng Việt Nam chính là một lợi thế giúp các thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường. Trong đó phải kể đến một số thương hiệu như: M.O.I Cosmetics, Lagumi, Laco, Emmié, Thorakao, Saigon Cosmetic, Sao Thái Dương, Cocoon... đang dần bắt đầu gây dựng được chỗ đứng nhất định.

Tuy nhiên, các chuyên gia mỹ phẩm và các nhà phân tích thị trường cho rằng, ngành mỹ phẩm năm 2023-2024 sẽ tiếp tục đón nhận sự phát triển tích cực với nhiều cơ hội và thách thức. Xu hướng tiêu dùng mỹ phẩm thân thiện với môi trường đang trở thành một yếu tố quan trọng trong ngành. Việc sử dụng các thành phần tổng hợp gây hại đến môi trường sẽ làm giảm uy tín của sản phẩm mỹ phẩm tại Việt Nam. Việc sử dụng các thành phần quý hiếm và công nghệ cao để sản xuất sản phẩm mỹ phẩm đòi hỏi chi phí cao, làm cho giá thành sản phẩm tăng lên. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm mỹ phẩm Việt Nam trên thị trường.

Cùng với đó, giá thành sản phẩm cũng là một trong những thách thức đối với ngành mỹ phẩm. Kinh tế khó khăn khiến cho khả năng chi tiêu cũng như nhu cầu của khách hàng thay đổi. Một báo cáo nghiên cứu thị trường mỹ phẩm cho thấy, hơn 80% người tiêu dùng nhận thấy giá cả sản phẩm làm đẹp tăng cao. Cũng theo khảo sát của NIQ, 24% số người được hỏi cho biết họ dự kiến sẽ chi tiêu ít hơn cho sản phẩm làm đẹp.

Mặc dù còn nhiều thách thức phải đối diện, như sự cạnh tranh từ sản phẩm nhập khẩu và yêu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường…, ngành mỹ phẩm Việt Nam vẫn giàu tiềm năng phát triển. Để có được thành công, các doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào xây dựng nhà máy đạt chuẩn GMP, nghiên cứu và phát triển sản phẩm sáng tạo và hiệu quả, đồng thời tạo ra chiến lược tiếp cận khách hàng thông qua các nền tảng truyền thông xã hội và tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng.