Thổi bùng khát vọng cống hiến nghệ thuật
Việc tìm kiếm, phát hiện tài năng biểu diễn nghệ thuật - nhân tố quyết định sự thành công của tiết mục, tác phẩm nghệ thuật, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành biểu diễn thực hiện thông qua nhiều cuộc thi gần đây.
Nhưng để phát huy và thổi bùng khát vọng cống hiến, sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên, có lẽ cần nhiều hành động hiệu quả hơn từ cơ quan quản lý, các đơn vị nghệ thuật...
Xuất hiện những “hạt ngọc” mới
Sau các cuộc thi tài năng diễn viên chèo, tuồng, dân ca kịch toàn quốc năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức cuộc thi Tài năng múa rối toàn quốc, Tài năng múa toàn quốc, Tài năng diễn viên kịch nói toàn quốc, Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc. Các cuộc thi này đều thu hút đông đảo diễn viên đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật, giảng viên, người đang theo học tại cơ sở đào tạo nghệ thuật trong và ngoài công lập tham gia.
Nghệ sĩ Ngô Doãn Thịnh (Nhà hát Múa rối Việt Nam) bày tỏ, anh tham gia cuộc thi tài năng biểu diễn không chỉ để thể hiện sáng tạo của mình, mà còn là cơ hội để học hỏi đồng nghiệp, đúc kết nhiều bài học cho mình trên con đường đã lựa chọn.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Ly Ly cho rằng, việc mở rộng cơ hội cho diễn viên ở các độ tuổi tham gia thi tài để thấy được thực trạng các lớp nghệ sĩ biểu diễn hiện nay, từ đó có những chuyển động hỗ trợ, đầu tư phù hợp.
Điều đáng mừng là mỗi cuộc thi, giới nghề đều tìm được những “hạt ngọc” mới. Ở lĩnh vực kịch nói, có thể kể đến là diễn viên Trần Thị Diễm Hương (Nhà hát Kịch Hà Nội) với vai Mê Đê trong trích đoạn “Mê Đê”, diễn viên Nguyễn Thị Minh Thu (Nhà hát Kịch Việt Nam) vai Thị Nở trong trích đoạn tác phẩm “Chí Phèo”, diễn viên Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Đoàn Kịch nói Hải Phòng) vai Miễn trong trích đoạn “Ngàn dặm xa”…
Ở các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng không thiếu tài năng gây được bất ngờ.
Múa rối có nghệ sĩ Ngô Doãn Thịnh (Nhà hát Múa rối Việt Nam) thể hiện nổi bật nhân vật rối Phú Ông trong trích đoạn “Câu chuyện những chiếc rìu”, nghệ sĩ Hà Bình Minh (Nhà hát Múa rối Thăng Long) khéo léo điều khiển nhân vật rối Macbeth trong trích đoạn từ vở “Macbeth”… Cải lương có nhiều nghệ sĩ khiến khán giả say đắm với màn ca cải lương và hóa thân giàu cảm xúc, như: Lê Thị Hồng Giang (Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ), Nguyễn Văn Khởi (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, thành phố Hồ Chí Minh)…
Ở nghệ thuật múa, diễn viên Lê Tuấn Anh (Học viện Múa Việt Nam) hứa hẹn trở thành một “hoàng tử ballet Việt” với những bước nhảy chuẩn mực, bay bổng; diễn viên Trương Thị Bích Hạnh (Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội) thể hiện khả năng biến hóa trong các trích đoạn múa đương đại; diễn viên Nguyễn Thị Hoàng Yến (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) đầy nội lực, uyển chuyển khi thể hiện những trích đoạn phong cách múa dân gian…
Tạo không gian cho tài năng cống hiến
Qua mỗi cuộc thi tài năng diễn viên, các giám khảo thường chia sẻ sự xúc động khi có lớp nghệ sĩ vượt qua nhiều khó khăn, đặc biệt ở những bộ môn đòi hỏi khổ luyện nhiều năm để theo đuổi đam mê.
“Nhiều nghệ sĩ, nhất là ở đơn vị xã hội hóa, dù phải tự túc kinh phí tham dự, từ di chuyển, ăn, ở đến trang phục, đạo cụ…, vẫn nỗ lực sáng tạo và tỏa sáng”, PGS.TS Phan Trọng Thành, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi Tài năng diễn viên kịch nói toàn quốc 2023 cho hay.
Tuy đã xuất hiện lớp nghệ sĩ mới tài năng nhưng khả năng biểu diễn hoàn chỉnh và ảnh hưởng trong đời sống nghệ thuật của họ còn là chặng đường dài phía trước. Như trong cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương toàn quốc vừa qua, có đến 70% diễn viên dưới 30 tuổi tham gia, song “nhiều diễn viên có giọng ca đẹp nhưng chưa làm chủ được sân khấu biểu diễn, không giữ được cao độ, trường sức”, đạo diễn Ca Lê Hồng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi này bày tỏ.
Ở nghệ thuật múa, Nghệ sĩ nhân dân Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam nhận xét, một số diễn viên còn theo đuổi cách trình bày phô diễn kỹ thuật, kỹ xảo một cách khiên cưỡng mà không quan tâm đến tính phù hợp với nội dung tác phẩm… Bởi vậy, câu chuyện đặt ra đối với lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, đạo diễn, nghệ sĩ đi trước là cần nhìn nhận, tư vấn, hướng dẫn để nghệ sĩ mới phát huy đúng sở trường, phong cách, khả năng trên sân khấu.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên; chính sách thu hút tài năng; đồng thời, giới thiệu tài năng cho các chương trình đào tạo ở nước ngoài... Đặc biệt, các đơn vị nghệ thuật cần tổ chức biểu diễn thường xuyên, tạo không gian nghệ thuật cho tài năng sáng tạo nghệ thuật, thể hiện đam mê, cống hiến. Trước mắt, với những nghệ sĩ đã đoạt giải thưởng, đơn vị nên đầu tư quảng bá, giới thiệu sáng tạo của họ đến công chúng, hoặc dàn dựng trích đoạn thành vở diễn hoàn chỉnh để các nghệ sĩ có cơ hội phát huy tài năng…