Kinh tế

Cần "liều thuốc bổ" tiếp sức cho doanh nghiệp

Thanh Hiền thực hiện 08/10/2023 - 06:29

Thời gian qua, đội ngũ doanh nhân - doanh nghiệp lớn mạnh cả về lượng và chất, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển doanh nghiệp Mạc Quốc Anh về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Hà Nội. Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường như hiện nay, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, doanh nghiệp rất cần "liều thuốc bổ" để vượt qua khó khăn...

kinh-2.jpg
Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô?

- Hà Nội có khoảng 370.000 doanh nghiệp, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung của cả nước. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98%, đóng góp khoảng 50% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cho Hà Nội, tạo việc làm cho hơn 50% lao động. Kể từ đầu năm 2023, dù gặp nhiều khó khăn, song kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng so với năm ngoái. Để có được kết quả này không thể không kể tới vai trò của cộng đồng doanh nghiệp.

- Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn và bất ổn, các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn gì, thưa ông?

- Đa số các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng. Dù từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn. Nguồn lực cạn kiệt là một trong những lý do khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay để bổ sung vốn lưu động và đầu tư cho máy móc, công nghệ. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động do thiếu đơn hàng.

- Vậy nhóm ngành nào đang khó khăn nhiều nhất?

- Từ cuối năm 2022, gần như toàn bộ thị trường bị đóng băng, nhất là ngành dệt may và da giày khi đơn hàng của nhóm này sụt giảm từ 40% đến 55% và hầu như không có đơn hàng mới do các thị trường châu Âu, Mỹ không ký tiếp.

- Trước những khó khăn đó, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp?

- Chúng tôi tổ chức rất nhiều chương trình, như đối thoại với các cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tổ chức các diễn đàn, kênh thông tin giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình hình. Hiệp hội cũng hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển về quy mô, nguồn lực; đồng hành tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp nâng cao khả năng quản trị, tiếp cận thị trường...

- Ông có thể cho biết, những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thành phố Hà Nội có tác động như thế nào đối với hoạt động của doanh nghiệp?

- Quyết tâm vào cuộc, chia sẻ, đồng hành của các cấp, ngành đã cổ vũ, động viên cộng đồng doanh nghiệp và mang lại nhiều kết quả tích cực. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngân hàng 4 lần giảm lãi suất, điều chỉnh 38 loại phí. Thành phố Hà Nội có nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn các dự án…

Việc hạ lãi suất các khoản vay mới và khoanh nợ cho khoản vay cũ cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Một yếu tố nữa là việc thúc đẩy thị trường xuất khẩu khá thành công giúp nhiều mặt hàng xuất được sang những nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do. Sức mua trong dân được cải thiện tăng đến 10,4%, giúp giảm bớt hàng hóa tồn kho… Đây là "liều thuốc bổ" tiếp sức cho doanh nghiệp vượt khó.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng

kinh-1.jpg
Sản xuất cấu kiện thép tại Công ty cổ phần Cơ khí - Xây lắp - Thương mại Minh Cường (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

- Ngân hàng Nhà nước đã có động thái cắt giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp kể từ đầu năm đến nay. Việc này sẽ có những tác động như thế nào đến các doanh nghiệp, thưa ông?

- Với doanh nghiệp, lãi suất chỉ giảm từ 0,5% đến 1% đã có ý nghĩa rất quan trọng. Quan trọng hơn khi doanh nghiệp huy động được vốn, họ có thể bảo đảm yếu tố thanh khoản ở trong chuỗi cung ứng, không nợ đọng với các nhà cung cấp hay nợ lương người lao động…

- Cùng với việc giảm thuế giá trị gia tăng, cắt giảm lãi suất, theo ông doanh nghiệp cần được hỗ trợ thêm những chính sách gì?

- Tôi cho rằng cần có chính sách hỗ trợ về thuế đất, đặc biệt ở các cụm công nghiệp, khu công nghiệp… Một là giảm, hai là giãn thời kỳ nộp. Bên cạnh đó, phải tiếp tục rà soát, kiểm tra những thủ tục hành chính không để cản trở hoạt động kinh doanh.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội mong muốn Chính phủ và Quốc hội tiếp tục rà soát, kiểm tra, đánh giá, thẩm định lại các thủ tục, điều kiện kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, tập trung hỗ trợ trực tiếp, thúc đẩy thực thi hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần sự hỗ trợ về chính sách tài chính, thị trường, chuỗi giá trị, cũng như tháo gỡ các rào cản, đặc biệt là rào cản về thủ tục hành chính. Đối với chuỗi giá trị cung ứng, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực để chuỗi liên kết vùng sử dụng sản phẩm của nhau, từ đó tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu.

- Theo ông, các doanh nghiệp cần làm gì để phục hồi và phát triển?

- Chính sách hỗ trợ và cơ hội đều đã có nên mấu chốt là doanh nghiệp phải có sự chủ động nhiều hơn trong tiếp cận các chính sách từ cơ quan quản lý. Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động tham gia các chương trình kết nối, giảm giá, khuyến mãi trên toàn quốc, nhất là ở vùng sâu, vùng xa để kích thích tiêu dùng của người dân. Cùng với đó là phải chủ động về nguồn nguyên, vật liệu, cơ cấu lại phương án kinh doanh để tăng tính bền vững, hỗ trợ phát triển.

Để tăng cường khả năng xuất khẩu, cùng với những giải pháp sáng tạo về tìm kiếm và đa dạng hóa thị trường, doanh nghiệp nhỏ và vừa nên tìm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp lớn để tận dụng nguồn lực, kinh nghiệm cũng như cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Vậy cơ hội phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong những tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo là gì, thưa ông?

- Một cơ hội dễ thấy nhất là ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam, nhiều hợp đồng thương mại và những cam kết về hợp tác, giao thương đã được tuyên bố và ký kết. Việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ không chỉ là cơ hội nâng cao vị thế cho kinh tế Việt Nam mà mang đến cơ hội rất lớn cho cả cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào Việt Nam trong thời gian gần đây. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng trở thành đối tác tin cậy của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Đặc biệt, trong tuyên bố chung giữa hai nước, Tổng thống Hoa Kỳ bày tỏ ưu tiên cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hoa Kỳ cũng có số lượng lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa nên sẽ tìm cách liên kết, hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam. Do đó, những doanh nghiệp nắm vững về khoa học, công nghệ, đầu tư chuyên sâu sẽ có cơ hội lớn để thu hút đầu tư. Hà Nội hiện có nhiều doanh nghiệp có sản phẩm phân phối vào thị trường Hoa Kỳ như nhựa, bao bì, gạo, dệt may… nên kỳ vọng thời gian tới sẽ có sự tăng trưởng mạnh, nhất là khi kinh tế thế giới đang dần phục hồi.

Cùng với những hợp tác đến từ Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tại các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang và sẽ ký kết. Với vị trí chiến lược trong khối Đông Nam Á cùng sự phát triển mạnh về công nghệ, nhân lực và chính sách thu hút đầu tư, cơ hội cho doanh nghiệp trong thời gian tới là rất lớn.

- Trân trọng cảm ơn ông!