Không sử dụng loại khí trong “bóng cười” trên người bệnh
Khí Nitơ monoxide (Nitrous oxide - N2O) đang được nghiên cứu sử dụng để an thần, giảm đau trong y tế. Tuy nhiên, loại khí này được sử dụng trong “bóng cười”, mang lại cảm giác hưng phấn, ảo giác cho người sử dụng. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu không sử dụng khí N2O trên người bệnh.
Bộ Y tế vừa có Công văn số 6357/BYT-KCB gửi Cục Quân y (Bộ Quốc phòng); Cục Y tế (Bộ Công an) và sở y tế các tỉnh, thành phố; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Y tế ngành về việc không sử dụng khí N2O trên người bệnh.
Theo Bộ Y tế, khí N2O là hóa chất được sử dụng trong công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ...); đồng thời được sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm (có trong danh mục phụ gia thực phẩm của Ủy ban thực phẩm quốc tế - Codex) và đang được nghiên cứu sử dụng để an thần, giảm đau trong nha khoa.
Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng lạm dụng khí N2O tại một số điểm vui chơi, giải trí gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân. Loại khí này được sử dụng trong “bóng cười”, mang lại cảm giác hưng phấn, ảo giác cho người sử dụng.
Báo cáo của Cục Quản lý dược và các đơn vị có liên quan tại cuộc họp ngày cuối tháng 8 vừa qua khẳng định, N2O chưa đủ cơ sở pháp lý được công nhận là thuốc chữa bệnh tại Việt Nam. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không sử dụng khí N2O trên người bệnh khi chưa được Bộ Y tế phê duyệt.
“Các đơn vị tăng cường quản lý việc sử dụng loại khí này tại cơ sở (nếu có) để tránh thất thoát, lạm dụng và sử dụng sai mục đích. Đơn vị nào để xảy ra việc thất thoát, lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích thì thủ trưởng đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật”, Bộ Y tế nhấn mạnh.
Trước đó, vào tháng 6-2023, Bộ Y tế cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng N2O. Bộ Y tế cảnh báo, việc làm dụng, sử dụng N2O không đúng mục đích có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt trong giới trẻ do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười. Sử dụng lâu khí này sẽ dẫn đến tự kỷ, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược cơ thể; sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác.
Tại nhiều bệnh viện, trong thời gian qua cũng liên tục ghi nhận các trường hợp nhập viện cấp cứu vì “bóng cười”.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, các bệnh nhân ngộ độc N2O nhẹ có biểu hiện tê chân tay, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, suy giảm sức khỏe. Trường hợp nặng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thống tủy sống, tổn thương não và rối loạn tâm thần. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ tác hại của bóng cười nên khó có thể hồi phục tổn thương, gây tàn phế suốt đời.
Đặc biệt, bản chất N2O có tác dụng giống như ma túy, khi sử dụng có xu hướng tăng lên để đạt được khoái cảm. Người dùng bóng cười thường xuyên gây nghiện, có nguy cơ tìm đến các loại ma túy tổng hợp khác.