An toàn thực phẩm

Tăng cường kiểm soát sản phẩm OCOP

Quỳnh Dung 07/10/2023 - 07:21

Hiện tại, các địa phương đề cao tiêu chí quan trọng để xét duyệt các loại nông sản, thực phẩm đạt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), là vấn đề an toàn thực phẩm. Việc này nhằm tạo uy tín, chất lượng sản phẩm OCOP đối với người tiêu dùng và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

ocop.jpg
Sản phẩm bưởi Diễn của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) được công nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Khắc Nam

Chất lượng tạo nên thương hiệu

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Đức Hậu Lưu Quang, xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) Lê Hữu Diện cho biết, năm 2021, sản phẩm bưởi Diễn của hợp tác xã được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và công nhận OCOP 3 sao. Để kiểm soát chất lượng quả bưởi, hợp tác xã đã sản xuất theo hướng hữu cơ, thực hiện nghiêm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm. Sản phẩm bưởi Diễn Đức Hậu Lưu Quang đều được chọn lọc kỹ, đóng trong túi lưới với trọng lượng quả từ 800g đến 1.200g, có dán tem truy xuất nguồn gốc. Mỗi năm vào vụ thu hoạch, bưởi Diễn của hợp tác xã tiêu thụ ổn định, với giá bán từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/quả.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất) Nguyễn Đỗ Ban thông tin, đến nay, hợp tác xã đã có 5 sản phẩm rau an toàn được công nhận OCOP. Tất cả các loại rau, củ của hợp tác xã đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng, có bao bì, nhãn mác và tem truy xuất nguồn gốc.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất các sản phẩm rau an toàn đạt OCOP, hợp tác xã thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăm sóc từ đất, nước, thuốc sinh học để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó, hợp tác xã đã liên kết với các bếp ăn tập thể và một số siêu thị, cửa hàng bán nông sản trên địa bàn Hà Nội với số lượng tiêu thụ khoảng 500-700kg rau, củ, quả/ngày, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Nguyễn Giáp Đông cho hay, huyện hiện có 138 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP, trong đó có 60 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm chủ yếu là sữa tươi; các sản phẩm chế biến từ sữa, gà đồi, rau, khoai lang, miến dong, thịt, giò đà điểu...

Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho các sản phẩm OCOP, huyện Ba Vì đã phối hợp với các ngành chức năng tập huấn về kiến thức sản xuất an toàn, như: Không sử dụng các loại phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, không có hại cho sức khỏe con người đến hỗ trợ xây dựng bao bì sản phẩm... cho các chủ thể, nhằm tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm sản xuất theo hướng truyền thống.

Một trong những tiêu chí quan trọng để xét duyệt OCOP là chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm đối với các loại nông sản, thực phẩm. Thời gian qua, các chủ thể khi tham gia Chương trình OCOP cũng chú trọng đưa ra thị trường những sản phẩm uy tín, chất lượng. Các địa phương, đơn vị cũng chủ động hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm và tổ chức ký cam kết sản xuất an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất; đề nghị được cấp giấy công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định an toàn thực phẩm...

Giám sát từ khâu sản xuất đến tiêu thụ

Hiện nay, vấn đề kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm OCOP vẫn khó khăn do các cơ sở sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; nông dân chưa có thói quen với việc ghi chép nhật ký chăm sóc để truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Để tháo gỡ khó khăn và phát huy hiệu quả của các sản phẩm OCOP, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến thực phẩm sạch Từ Tâm (quận Thanh Xuân) Đinh Thị Hải Yến cho biết, để bảo đảm chất lượng cho các sản phẩm: Giò, chả, nem... của công ty được công nhận OCOP, công ty đã chú trọng từ khâu sản xuất đến sơ chế, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng khẳng định, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, huyện tiếp tục hỗ trợ nông dân triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; xây dựng thương hiệu, tem nhãn để minh bạch sản phẩm trên thị trường.

Cùng với đó, huyện cũng hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP và xây dựng các cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, từ đó hình thành những địa chỉ tin cậy giới thiệu, quảng bá các sản phẩm đặc sắc, chất lượng, có nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ, được công nhận sản phẩm OCOP, thu hút đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài huyện tìm đến tham quan, mua sắm.

Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh, vì xác định rõ là không chạy theo số lượng, mà chú trọng vào chất lượng, nên trong quá trình thẩm định, xét duyệt hồ sơ cũng như chất lượng sản phẩm, các quận, huyện và Hội đồng thẩm định của thành phố đều ưu tiên hàng đầu về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các loại nông sản, đồ uống, dược liệu...

Để kiểm soát chất lượng các sản phẩm OCOP bán ra thị trường, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tiên tiến.

Sở phối hợp với các địa phương phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung an toàn thực phẩm, liên kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi, ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc nông sản an toàn.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp cũng như việc giết mổ gia súc, gia cầm; giám sát an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản và thủy sản, nhất là các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của thành phố trong xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.