Nông nghiệp - Nông thôn

Nét mới trong phân hạng sản phẩm OCOP

Nguyễn Mai 06/10/2023 - 06:35

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương. Năm 2023, thành phố Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu có 400 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.

Bên cạnh khu vực ngoại thành, năm nay, Chương trình OCOP còn thu hút sự tham gia của nhiều quận và cách đánh giá, phân hạng sản phẩm cũng có thêm nét mới.

o-cop.jpg
Các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 của huyện Phú Xuyên.

Khai thác lợi thế của từng quận

Những năm qua, các quận trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn tích cực hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm, tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP. Tính đến hết năm 2022, các quận đã phát triển được 208 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên và một số quận có nhiều sản phẩm tham gia, như: Hà Đông 37 sản phẩm; Bắc Từ Liêm 34 sản phẩm; Thanh Xuân 28 sản phẩm; Tây Hồ 23 sản phẩm; Nam Từ Liêm và Long Biên, mỗi quận có 22 sản phẩm…

Các sản phẩm tham gia OCOP của quận Tây Hồ khá đa dạng với chè sen Quảng An, bánh trung thu cơ sở Bảo Phương, xôi Phú Thượng và các sản phẩm đào, quất... đến từ làng nghề truyền thống Nhật Tân. Tại quận Hoàn Kiếm, sản phẩm tham gia OCOP được phát triển từ những sản phẩm chế biến mang tính truyền thống như bánh trứng nhện, bánh quy vòng, bánh sampa, cá kho đặc biệt, thịt kho dừa… Ở quận Hà Đông, một số phường còn diện tích sản xuất nông nghiệp (Yên Nghĩa, Đồng Mai) chọn rau an toàn là sản phẩm tham gia OCOP.

Năm 2023, có 7 quận: Hà Đông, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng đăng ký phát triển thêm 45 sản phẩm OCOP. Đáng chú ý, quận Hai Bà Trưng lần đầu tiên có sản phẩm tham gia OCOP. Như vậy, hiện còn duy nhất quận Cầu Giấy chưa có sản phẩm tham gia vào chương trình này.

Cuối tháng 8-2023 vừa qua, quận Hai Bà Trưng đã tổ chức đánh giá, phân hạng 3 sản phẩm OCOP là dấm gạo nếp, giò tai và nem chua. Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc cho biết, hộ sản xuất, kinh doanh Nguyễn Thị An là cơ sở có hơn 30 năm sản xuất, kinh doanh dấm ăn từ gạo, sản lượng 100.000 lít/năm; còn chủ thể hộ sản xuất, kinh doanh Trần Công Châu là người làng Ước Lễ (huyện Thanh Oai) có truyền thống làm nghề giò chả từ lâu đời, đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, đến nay, Chương trình OCOP đã thu hút sự tham gia của 29/30 quận, huyện, thị xã. Chưa tính các sản phẩm OCOP đang được các địa phương đánh giá, phân hạng năm 2023, thành phố đã công nhận được 2.140 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Trong đó, huyện Đông Anh là địa phương dẫn đầu thành phố với 185 sản phẩm được chứng nhận OCOP; tiếp đến là các huyện: Phú Xuyên 177 sản phẩm, Thường Tín 166 sản phẩm, Chương Mỹ 145 sản phẩm, Thạch Thất 142 sản phẩm…

Đến nay, đã có 3 quận, huyện tổ chức đánh giá phận hạng sản phẩm OCOP năm 2023, là: Thanh Oai, Phú Xuyên và Hai Bà Trưng. Huyện Thanh Oai đánh giá được 20 sản phẩm; huyện Phú Xuyên đánh giá được 45 sản phẩm và 9 sản phẩm được đánh giá lại (do hết thời hạn 36 tháng); quận Hai Bà Trưng đánh giá được 3 sản phẩm. Hiện tại, các địa phương vẫn đang tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ chủ thể hoàn thiện sản phẩm, hồ sơ minh chứng để đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng OCOP trong thời gian tới.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, năm 2023, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP có thêm điểm mới. Thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao (OCOP cấp quốc gia).

Việc phân cấp giúp định vị và phân cấp rõ ràng hơn về sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng hiểu và nắm rõ hơn về đặc điểm của sản phẩm. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của cấp huyện trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP; giảm tải khối lượng công việc cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thành phố.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội Ngọ Văn Ngôn cho biết, thời gian qua, sự vào cuộc của các quận đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu chung của thành phố trong phát triển sản phẩm OCOP. Trong năm 2023, thành phố phấn đấu phát triển được ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Để đạt được mục tiêu này, rất cần sự quan tâm, tham gia tích cực hơn nữa của các chủ thể tại các quận.

Cùng với phát triển sản phẩm mới, thời gian tới, các quận cần tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, phường thường xuyên kiểm tra, giám sát việc duy trì chất lượng sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP và nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia đánh giá, nâng hạng trong năm 2023.