Giáo dục

Vụ trường "doạ" từ chối giáo dục học sinh: Phải bảo đảm quyền được học tập cho học sinh

Thống Nhất 05/10/2023 - 22:30

Việc được học tập là quyền lợi chính đáng của học sinh. Nhà trường phải luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên, không thể vì bất đồng quan điểm giữa nhà trường với phụ huynh mà “dọa” không cho em đến lớp.

Trước thông tin phản ánh Trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân (huyện Sóc Sơn) “dọa” từ chối giáo dục một học sinh lớp 12 vì phụ huynh của em không đến trường trao đổi để làm rõ về tin nhắn trong nhóm zalo của lớp, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu nhà trường phải cho học sinh quay trở lại lớp.

Học sinh vẫn đi học bình thường

Thông tin với báo chí, gia đình em học sinh cho biết, hôm qua (4-10), thông qua giáo viên chủ nhiệm, nhà trường thông báo đình chỉ việc học của học sinh từ hôm nay (5-10). Câu chuyện bắt nguồn từ việc phụ huynh có ý kiến trong nhóm zalo của lớp vào ngày 28-9 về các khoản thu, chi. Nhà trường cho rằng, nội dung tin nhắn này làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường và nhiều lần mời phụ huynh học sinh đến làm việc để nghe giải thích nhưng phụ huynh học sinh không đến.

llq.jpg

Sẽ cần thêm thời gian để nhà trường và phụ huynh học sinh hóa giải sự việc, song điều mà dư luận quan tâm nhất là trong trường hợp nhà trường không nhận giáo dục học sinh thì việc học của em sẽ như thế nào khi chỉ còn vài tháng nữa là em bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhiều ý kiến nêu vấn đề: Việc nhà trường từ chối giáo dục học sinh như vậy có đúng không, có vi phạm quy định về quyền học tập của trẻ em hay không?

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết, ngay khi nắm được thông tin, Sở đã yêu cầu nhà trường báo cáo sự việc, đồng thời, phải cho học sinh đến lớp học.

“Việc được học tập là quyền lợi chính đáng của học sinh. Trong sự việc này, học sinh không có tội tình gì. Nhà trường phải luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên, không thể vì bất đồng quan điểm giữa nhà trường với phụ huynh mà không cho em đến lớp, cũng không vì bất cứ lý do gì không phù hợp quy định của pháp luật mà từ chối giáo dục học sinh”, ông Trần Thế Cương khẳng định.

Cũng theo ông Trần Thế Cương, Sở đã giao Phòng Giáo dục trung học, Thanh tra Sở xem xét sự việc của Trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân, nếu xác định có vi phạm, sẽ tiến hành xử lý nghiêm khắc, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho học sinh.

Thông tin với phóng viên Báo Hànộimới vào 19h tối nay (5-10), đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, buổi học hôm nay, em học sinh trong sự việc là H.H.G vẫn đi học bình thường. Sở chỉ đạo các phòng chức năng tiếp tục theo dõi tình hình và cam kết bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh theo đúng quy định, đồng thời, giải quyết sự việc nhanh nhất để hạn chế ảnh hưởng đến việc học của em.

Đặt quyền lợi của học sinh lên cao nhất

Báo cáo ngày 5-10 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trường Trung học phổ thông Lạc Long Quân khẳng định: Thông báo ngày 25-9-2023 gửi tới phụ huynh học sinh mục đích chỉ là mong nhận được sự hợp tác từ phụ huynh với nhà trường. Nhà trường chưa có quyết định dừng học nào với học sinh H.H.G.

Theo lý giải của nhà trường, nội dung tin nhắn của phụ huynh em H.H.G đã làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của nhà trường. Vì vậy, nhà trường nhiều lần gửi giấy mời, thậm chí cử giáo viên chủ nhiệm và chủ tịch công đoàn đến nhà học sinh để chuyển lời mời của nhà trường, mời phụ huynh em H.H.G đến trường để lắng nghe ý kiến, nhưng phụ huynh em H.H.G vẫn không đến. Cũng theo thông tin từ nhà trường, việc học tập được tiến hành từ ngày 8-8 nhưng đến nay, nhà trường chưa nhận được bất kỳ khoản đóng góp nào từ phụ huynh học sinh H.H.G (học phí, các phí dịch vụ giáo dục).

Nêu quan điểm về cách xử lý sự việc này, một cán bộ quản lý trường ngoài công lập đã lớn tuổi (xin giấu tên) cho rằng, dù bất kỳ nguyên nhân gì thì các bên đều cần đặt quyền lợi học tập của học sinh lên cao nhất. Phía nhà trường và gia đình học sinh nên cầu thị để đối thoại, chứ đừng đối đầu, khiến sự việc căng thẳng hơn, ảnh hưởng đến việc học của trẻ.

Dù là mô hình công lập hay tư thục, nhà trường phải thực hiện theo điều lệ trường học (trong đó có quy định về việc buộc học sinh thôi học). Việc hợp đồng giáo dục là trách nhiệm của hội đồng quản trị nhà trường với cha mẹ học sinh. Tình huống có thể xảy ra là hội đồng quản trị từ chối cung cấp dịch vụ giáo dục học sinh. Trong trường hợp này, nhà trường, cụ thể là hiệu trưởng nhà trường, phải đứng ra bảo vệ quyền lợi học tập cho học sinh bằng việc tìm cách hóa giải các mâu thuẫn, nếu không thể hóa giải được thì buộc phải đưa ra pháp luật.

Nhiều phụ huynh học sinh bày tỏ quan điểm không đồng tình về cách ứng xử của phụ huynh em H.H.G và cho rằng, có thể gia đình em còn nhiều lựa chọn khác để gửi con học, nhưng hiện con đã học tới lớp 12, nên ưu tiên sự ổn định để con tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp. Trong trường hợp chưa thu xếp được thời gian, gia đình có thể thông qua giáo viên chủ nhiệm chuyển lời đến nhà trường để bố trí cuộc gặp vào một dịp phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, phía gia đình học sinh cũng cần nhận thấy rõ, dù ở mức độ nào, thì con mình vẫn là người chịu thiệt thòi nhiều nhất, khi đây lại là năm học cuối cấp, con cần được ưu tiên cho việc học. Mọi phụ huynh đều có thể trao đổi, đề xuất, bày tỏ quan điểm về hoạt động của nhà trường, nhưng cách tiếp cận cầu thị và vì con trẻ sẽ làm sự việc bớt căng thẳng hơn, học sinh cũng bớt thiệt thòi.

Khẳng định quan điểm, tất cả các sự việc, tình huống trong nhà trường đều phải đặt quyền lợi học sinh lên trên hết, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh, không vì bất cứ lý do gì mà giáo viên hay cán bộ quản lý trường học có lời nói xúc phạm hoặc cản trở, vi phạm quyền được học tập của học sinh. Trong trường hợp học sinh vi phạm thì vẫn phải xử phạt, song trên tinh thần răn đe, giáo dục nhằm hướng các em rèn luyện nhân cách tốt đẹp hơn.