Kinh tế

Việt Nam có trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics, quy mô 40-42 tỷ USD/năm

Hà Phạm 05/10/2023 - 16:36

Đến nay, Việt Nam có trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics, khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ tại nước ta.

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2023, với chủ đề “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước”, ngày 5-10 tại thành phố Hồ Chí Minh.

lt.jpg
Hội nghị Logistics Việt Nam 2023.

Tham dự có 300 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trong ngành, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics, các đơn vị tư vấn đầu tư…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã tích cực chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách và kết cấu hạ tầng phát triển lĩnh vực quan trọng này. Nhờ vậy, năng lực và thứ hạng của ngành logistics Việt Nam đang được cải thiện và có xu hướng mở rộng.

ket-o-cau-phu-my.jpg
Điểm nghẽn về hạ tầng cản trở quá trình phát triển ngành logistics. Ảnh kẹt xe tại cửa ngõ cảng Cát Lái.

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Theo đánh giá của Agility (một trong những nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới), năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.

Dù vậy, trên thực tế vẫn còn một số tồn tại hạn chế và thách thức cho ngành logistics. Cụ thể, thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ, chồng chéo; cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics không đồng bộ, thiếu các khu kho vận tập trung.

Mặt khác, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết nhỏ và vừa, manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp; nguồn nhân lực qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu. Đơn cử, trong số các doanh nghiệp nội địa hiện nay, có tới 93-95% người lao động không được đào tạo bài bản…

“Thời gian tới, cần khắc phục những hạn chế trên, đồng thời, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhằm đưa ngành logistics Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, ông Trần Duy Đông nêu rõ.

cai-mep-1-.jpg
Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, để doanh nghiệp logistics Việt Nam khẳng định được vai trò, vị trí trên bản đồ ngành logistics, cần đầu tư công nghệ và chuyển đổi số. Đồng thời, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu về giảm phát thải, thân thiện với môi trường, tất cả thành phần tham gia chuỗi cung ứng logistics đều phải xanh hóa.

Hội nghị diễn ra với 2 phiên thảo luận. Phiên thảo luận 1 với chủ đề “Nhận định xu hướng logistics của Việt Nam”, các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã phân tích về tầm quan trọng để có một hệ thống các chính sách, quy định rõ ràng và thuận lợi trong việc định hình ngành logistics ở Việt Nam; các sáng kiến của Chính phủ nhằm thúc đẩy môi trường thuận lợi cho tăng trưởng, thu hút đầu tư; các giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn phát triển hạ tầng logistics…

Tại phiên thảo luận thứ 2 với chủ đề “Tạo cơ hội cho logistics phát triển trong tương lai”, các đại biểu tập trung thảo luận về tầm quan trọng của công nghệ với khả năng cạnh tranh trong ngành logistics; tính bền vững và thực tiễn chuỗi cung ứng xanh trong ngành hậu cần, hệ sinh thái logistics tuần hoàn và bền vững…

Theo Ban tổ chức, những ý kiến phân tích, trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp hàng đầu sẽ đóng góp thông tin hữu ích cho lộ trình nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến 2045 và các kế hoạch hành động của Chính phủ.