Đã miễn, giảm, gia hạn 152,5 nghìn tỷ đồng thuế, phí
Thông tin trên được Bộ Tài chính công bố tại buổi họp báo thường kỳ quý III-2023 diễn ra chiều ngày 5-10.
Theo Bộ Tài chính, lũy kế 9 tháng năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.223,8 nghìn tỷ đồng, bằng 75,5% dự toán, giảm 8,3% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 77,9% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 72,6% dự toán).
Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.013,7 nghìn tỷ đồng, bằng 76% dự toán, giảm 3,2% so cùng kỳ năm 2022; thu từ dầu thô ước đạt khoảng 46 nghìn tỷ đồng, bằng 109,5% dự toán, giảm 22,5% so cùng kỳ năm 2022; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 163,8 nghìn tỷ đồng, bằng 68,5% dự toán, giảm 26,3% so cùng kỳ năm 2022
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 25/63 địa phương thực hiện thu nội địa 9 tháng đạt trên 76% dự toán; 11/63 địa phương có tăng trưởng thu so cùng kỳ, trong khi có tới 52 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, trong tháng 9 qua, cơ quan Thuế, Hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 9 khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng. Trong đó, miễn, giảm khoảng 49,6 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 102,9 nghìn tỷ đồng.
Hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng giảm so cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tính đến 15-9-2023 đạt 461,1 tỷ USD, giảm 11,9%; trong đó kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa có thuế giảm 18,8% so cùng kỳ. Một số mặt hàng nhập khẩu có thuế đóng góp số thu lớn cho ngân sách giảm mạnh, tác động làm giảm nguồn thu NSNN khoảng 34 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Bộ Tài chính, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 9 tháng đạt khoảng 1.239,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59,7% dự toán, tăng 14,1% so cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 363,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 43,5% (khoảng 110,2 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 72,3 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3% dự toán, giảm 0,3% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 801,9 nghìn tỷ đồng, bằng 68,4% dự toán, tăng 5,7% so cùng kỳ năm trước.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 9 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách Nhà nước.
Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã giao khoảng 707 nghìn tỷ đồng. Các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) khoảng 53,81 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong 9 tháng qua, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết là 745,5 nghìn tỷ đồng, đạt 105,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 97,82%); còn 21 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương chưa phân bổ chi tiết 15,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,18% kế hoạch.
Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được bảo đảm. Tính đến ngày 26-9-2023, đã thực hiện phát hành 243,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,44 năm, lãi suất bình quân 3,38 %/năm.