Du lịch

Du lịch MICE và golf ở Hà Nội: Gia tăng liên kết

Bảo Khánh 05/10/2023 - 06:03

Hà Nội sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế về thiên nhiên, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật... để trở thành “đầu tàu” về phát triển ngành công nghiệp không khói, đặc biệt là loại hình du lịch MICE và golf - một dòng sản phẩm khá mới nhưng có sức thu hút đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao.

Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng này, cần có sự “bắt tay” giữa các bên liên quan để phát huy thế mạnh.

gold.jpg
Du lịch MICE và golf là một trong những sản phẩm mới của Hà Nội.

Điểm đến lý tưởng cho du lịch MICE và golf

Nếu như trước đây, golf được cho là môn thể thao xa xỉ thì nay, bộ môn này ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Tại Việt Nam, số lượng người chơi golf tăng nhanh trong những năm gần đây, ở mức 30%/năm.

Theo Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 100 nghìn người chơi golf. Còn số lượng khách quốc tế vào Việt Nam chơi golf trung bình khoảng 2 triệu lượt/ năm.

Trong các năm 2019, 2021, 2022, Việt Nam đã được World Golf Award (giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực golf trên thế giới, thuộc hệ thống giải thưởng World Travel Awards) công nhận là Điểm đến golf tốt nhất thế giới và châu Á. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao.

Theo Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, những năm gần đây, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích chơi golf tăng mạnh, đặc biệt là khách từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và các nước châu Âu.

Ước tính, mỗi khách đến Việt Nam chơi golf chi tiêu trung bình khoảng 10 triệu đồng/ngày. Đặc biệt, ở thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019), Hàn Quốc là thị trường có lượng khách sang Việt Nam chơi golf lớn nhất với khoảng hơn 1 triệu lượt, mang lại cho Việt Nam doanh thu 2 - 3 tỷ USD.

Với lợi thế về tự nhiên, khí hậu cùng hệ thống sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, Hà Nội được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn về loại hình du lịch MICE và golf - dòng sản phẩm kết hợp hai loại hình du lịch vốn kén khách nhưng mang lại nguồn lợi nhuận lớn.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 10 sân golf đẳng cấp quốc tế như sân golf Long Biên, Vân Trì Golf club, Kings’ Island Golf, Hà Nội Golf club, Legend Hill... Đây đều là những sân golf đáp ứng được các yêu cầu về diện tích, cảnh quan, số lượng và độ khó của các hố kỹ thuật cũng như các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ.

Sau dịch Covid-19, nhu cầu của du khách có nhiều thay đổi. Nhu cầu hội họp, vui chơi giải trí, du lịch MICE và golf... đang trở thành xu hướng thịnh hành.

Theo bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), việc gắn kết hai loại hình du lịch MICE và du lịch golf giúp khai thác tối đa lợi thế của Hà Nội bởi với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, Hà Nội là điểm đến lý tưởng để tổ chức các hội nghị, hội thảo, sự kiện lớn có quy mô toàn quốc và quốc tế. Thực tế này đã được chứng minh qua việc Hà Nội được chọn là nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hồi năm 2019.

Cần cái “bắt tay” giữa các bên

Tuy nhiên, có một thực tế là lâu nay các doanh nghiệp lữ hành trong nước chưa có sự kết nối với các địa điểm tổ chức du lịch MICE và các sân golf để xây dựng một sản phẩm mang tính đặc thù.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho rằng, để phát triển du lịch MICE và golf tại Hà Nội, cần có sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hoạch định các chính sách, chiến lược đồng thời tạo cơ chế thuận lợi và đồng hành cùng doanh nghiệp để đón khách. Bên cạnh đó, các công ty lữ hành, nhà hàng, các đơn vị vận chuyển, dịch vụ mua sắm cần “bắt tay” với các điểm đến, sân golf, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm tổ chức hội nghị, hội thảo... nhằm mang đến cho du khách trải nghiệm trọn vẹn.

Để thu hút khách có trọng tâm, trọng điểm, theo Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh, Hà Nội cần phô diễn các thế mạnh của mình để du khách biết và tìm tới các đơn vị lữ hành. Cần có sự tương tác, nghiên cứu chuyên sâu và cách tiếp cận phù hợp đối với các thị trường để hiểu nhu cầu, xu hướng của khách hàng, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp.

Ngoài ra, sự liên kết các sân golf tại Hà Nội với các khu vực xung quanh tạo thành hành trình du lịch MICE và golf đa dạng, nhiều trải nghiệm sẽ góp phần kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của khách quốc tế đến Hà Nội chơi golf.

“Các đơn vị lữ hành, cung ứng dịch vụ cần liên kết sâu hơn để tạo thành các hành trình riêng biệt, trong đó đáp ứng đầy đủ các dịch vụ, nhu cầu về du lịch. Đây chính là một sản phẩm thế mạnh của Hà Nội và Việt Nam” - ông Quỳnh nói.

Đồng tình với quan điểm cần tập trung nghiên cứu thị trường, Trưởng ban Hội viên (Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam) Đỗ Đăng Trung hiến kế, Hà Nội cần tập trung thu hút dòng khách Hàn Quốc vì mùa đông của họ rất lạnh, mùa hè lại quá nóng nên họ rất thích sang Việt Nam chơi golf. Hiện nay, dòng khách này đang đến Việt Nam thông qua các công ty Hàn Quốc theo dạng tour trọn gói và hầu hết các khâu đều do người Hàn Quốc đảm nhận. Các doanh nghiệp Việt nếu có hợp tác cũng chỉ là doanh nghiệp thứ cấp và chỉ được tham gia một phần nhỏ.

Vì thế, cần phải bắt tay nhau để cùng xây dựng những gói tour khép kín, giá cả hợp lý thì mới thu hút được các golfer. Để làm được điều đó, cần có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quảng bá, tổ chức các giải đấu quy mô quốc tế, tổ chức các golf tour - loại hình du lịch kết hợp xem thi đấu golf hoặc tham quan trải nghiệm sân golf; phối hợp với các sân golf tạo ra tour trọn gói để các đơn vị lữ hành có thể tham gia bán tour cho du khách.