Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng lần đầu sau 9 tháng
Bộ Công Thương hôm nay (4-10) cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 tăng 0,1% so với tháng 8 và tăng 5,1% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%) kể từ đầu năm.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm, đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đạt 49,7 trong tháng 9, giảm trở lại xuống dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8, cho thấy các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm, mặc dù mức suy giảm là nhỏ.
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất 9 tháng của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể như sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 9,6%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,7%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 7,4%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 6,2%...
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm, như: Sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 7,2%; sản xuất xe có động cơ giảm 5,2%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 3,6%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy giảm 3,5%...
Riêng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đã có sự phục hồi tích cực kể từ tháng 8 sau 7 tháng liên tiếp sụt giảm. Trong quý III-2023, ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học đã có những dấu hiệu khởi sắc khi chỉ số IIP tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I giảm 5,4%; quý II giảm 3,6%); tính chung 9 tháng năm 2023 giảm 2,2%.
Phân theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 9 tháng năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đó là đường kính tăng 37,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 18,6%; tivi tăng 10,1%; thuốc lá điếu tăng 9,6%; sơn hóa học tăng 9,1%... Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 19,3%; thép thanh, thép góc giảm 14,4%; điện thoại di động giảm 12,8%; xe máy giảm 8,4%...
9 tháng năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 9,7%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30-9 tăng 2,5% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,4% so với cùng năm trước. Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2023 là 85,3%.
Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng cao: Bắc Giang tăng 17,8%; Phú Thọ tăng 16,1%; Nam Định tăng 14,1%; Kiên Giang tăng 13,2%; Hải Phòng tăng 13,2%; Hà Nam tăng 13%.
Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2023 so với cùng kỳ năm trước giảm là: Quảng Nam 30,8%; Bắc Ninh 13,9%; Vĩnh Long 13,3%; Sóc Trăng 6,6%...