Serbia "rút một nửa lực lượng quân đội tại biên giới" với Kosovo
Ngày 3-10, giới quan sát thở phào nhẹ nhõm khi Tổng Tham mưu trưởng quân đội Serbia thông báo, đã rút lực lượng đồn trú tại khu vực biên giới với Kosovo xuống chỉ còn một nửa so với vài ngày trước.
Cụ thể, Reuters dẫn lời Tổng Tham mưu trưởng quân đội Serbia, Tướng Milan Mojsilovic cho biết, đã rút đáng kể binh sĩ đồn trú gần biên giới với Kosovo.
"Serbia đã triển khai 8.350 binh sĩ gần biên giới với Kosovo, và đã giảm xuống còn 4.500 người”, vị tướng này nêu rõ.
Tướng Milan Mojsilovic cũng cho biết, sự hiện diện của quân đội trong cái gọi là "Vùng an toàn mặt đất", một dải rộng 5km bên trong Serbia dọc theo biên giới Kosovo, đã trở lại bình thường, và nước này chưa chính thức nâng mức độ sẵn sàng của quân đội 22.500 người.
Cũng theo chỉ huy quân đội Serbia, chính trị gia người Serbia Milan Radoicic ở Kosovo, vốn thừa nhận tham gia các cuộc giao tranh ở Banjska, chưa từng tham gia huấn luyện với quân đội.
Trước diễn biến mới tại biên giới Serbia - Kosovo, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Washington tuy chưa xác minh độc lập được việc Serbia đã rút quân, nhưng đó là một động thái đáng hoan nghênh.
Việc rút quân diễn ra sau khi Serbie quyết định tăng quân số sau một cuộc đấu súng ở miền Bắc Kosovo nổ ra khiến 4 người thiệt mạng.
Căng thẳng giữa Belgrade và Pristina tăng vọt kể từ ngày 24-9, khi cảnh sát Kosovo gần làng Banjska ở miền Bắc giao tranh với khoảng 30 người Serbia có vũ trang cố thủ trong một tu viện Chính thống giáo Serbia. Ba kẻ tấn công và một sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng. Pristina đổ lỗi cho Serbia vì đã cung cấp hỗ trợ tài chính và hậu cần cho nhóm chiến đấu với cảnh sát Kosovo, nhưng Belgrade phủ nhận.
Các cuộc giao tranh đã làm dấy lên mối quan tâm quốc tế mới về sự ổn định ở Kosovo chủ yếu là người gốc Albania, nơi tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 sau một cuộc nổi dậy du kích và một chiến dịch ném bom của NATO năm 1999 đã đẩy lùi lực lượng an ninh Serbia.
Ước tính, khoảng 50.000 người Serbia sống ở miền Bắc Kosovo không công nhận Pristina, mà vẫn coi Belgrade là thủ đô. Nhóm này thường đụng độ với cảnh sát Kosovo và các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, nhưng vụ bạo lực cuối tuần qua được đánh giá là tồi tệ nhất trong nhiều năm.