Trung Quốc kêu gọi hợp tác quốc tế triển khai sứ mệnh Hằng Nga 8
Ngày 3-10, theo Thời báo Hoàn cầu, sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc với tên gọi Hằng Nga 8, được lên kế hoạch phóng vào khoảng năm 2028, sẽ cùng với Hằng Nga 7 hình thành cấu trúc cơ bản của trạm nghiên cứu Mặt trăng.
Cơ quan Vũ trụ quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã công bố các cơ hội hợp tác quốc tế liên quan đến sứ mệnh Hằng Nga 8 trong Đại hội du hành vũ trụ quốc tế lần thứ 74 được tổ chức tại Baku (Azerbaijan).
Sứ mệnh Hằng Nga 8 nhằm mục đích khám phá và nghiên cứu nhiều trường vật lý, hồ sơ địa chất của Mặt trăng, quan sát và nghiên cứu Trái đất từ Mặt trăng...
Dự án thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, hòa bình, hợp tác cùng có lợi. CNSA hoan nghênh các quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia, hợp tác ở cấp nhiệm vụ, cấp hệ thống và cấp đơn vị, cùng đạt được những khám phá khoa học mới quan trọng và góp phần xây dựng tương lai chung cho nhân loại.
Hợp tác quốc tế cho sứ mệnh Hằng Nga 8 sẽ ưu tiên các nhiệm vụ có tính "tương tác" giữa tàu vũ trụ với tàu vũ trụ, thăm dò chung, robot trên bề mặt Mặt trăng với khả năng vận hành cơ bản...
Thời hạn nộp thư đăng ký tham gia các dự án hợp tác quốc tế trong sứ mệnh Hằng Nga 8 là ngày 31-12-2023. Kết quả lựa chọn sơ bộ dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2024 và xác nhận lựa chọn cuối cùng vào tháng 9-2024.
Ngoài Hằng Nga 8, sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc còn có Hằng Nga 7, dự kiến phóng vào khoảng năm 2026 với nhiệm vụ chính là tìm kiếm bằng chứng về nước ở vùng cực Nam Mặt trăng.
Trong nhiệm vụ Hằng Nga 6, dự kiến thực hiện vào năm 2024, trạm đổ bộ sẽ mang mẫu vật từ phía xa Mặt Trăng về Trái Đất.