Cần thiết xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp thực tiễn
Những năm gần đây, tốc độ xây dựng tại các đô thị và nông thôn rất nhanh. Nhiều khu đô thị mới, nhà cao tầng với các tổ hợp công trình đa chức năng trong cùng một tòa nhà dẫn đến một số quy định kỹ thuật còn thiếu...
Do đó, song song với việc kiểm tra, xử lý đối với các dự án không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, cần thiết xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thật đồng bộ và thống nhất, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Chưa đáp ứng thực tế
Qua hơn 20 năm thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự cố gắng, nỗ lực của cơ quan chức năng, trong đó nòng cốt là lực lượng công an chuyên nghiệp, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã có sự chuyển biến tích cực. Phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được đẩy mạnh, phát triển sâu rộng.
Tại nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư mua sắm các trang, thiết bị chữa cháy và báo cháy hiện đại; tổ chức lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách, huấn luyện và thường xuyên diễn tập, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, công tác đầu tư cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một số chế tài của luật còn mang tính nguyên tắc chung chung, không còn phù hợp với thực tiễn. Chưa có quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Ghi nhận của Đoàn giám sát của Quốc hội ở một số địa phương cho thấy, còn tồn tại công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực. Việc triển khai thực hiện các giải pháp khắc phục thiếu sót của các cơ sở còn chậm.
Tại Hà Nội, ở những quận có mật độ dân cư, người lao động, học sinh, sinh viên đông đúc như: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Đống Đa…, đều có các tòa nhà cho thuê chưa bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy hoặc số tầng vượt quy định.
Rõ ràng ngay từ dự thảo
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, việc xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là cần thiết để bảo đảm thống nhất và đồng bộ với các luật trong hệ thống pháp luật quốc gia. Đồng thời, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội; điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tập trung vào 4 chính sách: Hoàn thiện quy định về công tác phòng cháy; chữa cháy; tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy, phương tiện phòng cháy, chữa cháy; quy định công tác cứu nạn, cứu hộ.
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) nhận định, thể chế liên quan tới công tác cứu hộ, cứu nạn hiện nay đã khá đầy đủ. Ban Chỉ huy cứu hộ, cứu nạn từ trung ương đến địa phương cũng được tổ chức tương đối bài bản. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát kỹ các quy định, tránh chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đồng thời, tiến hành giải quyết tình trạng nhiều công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy; quy định chi tiết việc áp dụng quy chuẩn kỹ thuật an toàn cháy cho nhà và công trình; nguyên tắc đóng góp, hoạt động của Quỹ Phòng cháy, chữa cháy…
Nhiệm vụ cấp bách không kém là phải tăng cường tính tự giác tuân thủ quy định phòng cháy, chữa cháy. Bởi đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy mà là trách nhiệm của toàn dân.
Trước hết, nên có những quy định cụ thể nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, xây dựng các kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tiếp theo là nghiên cứu bổ sung các hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy đối với chủ đầu tư các tổ hợp công trình mới, khu chung cư hỗn hợp, các cơ sở dịch vụ kinh doanh xăng, dầu, chợ cũ và một số công trình văn hóa được xây dựng và đưa vào sử dụng, khai thác từ trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy có hiệu lực nhằm bảo đảm luật khi ban hành đáp ứng được yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi tình hình cháy nổ đang ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hiện nay.
Đặc biệt, khái niệm “Tổ liên gia” tại dự thảo luật là một khái niệm mới. Nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, Đà Nẵng đang triển khai mô hình này với nhiều tên gọi khác nhau. Đơn cử trên địa bàn các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã ra mắt các "Tổ liên gia phòng cháy, chữa cháy" và "Điểm chữa cháy công cộng".
Đây là một trong những hoạt động nhằm rèn luyện kỹ năng, thực hành xử lý tình huống cháy, nổ. Thông qua đó, tích cực, chủ động phòng ngừa ngăn chặn hỏa hoạn trên địa bàn, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại gây ra, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó cơ quan soạn thảo cần quy định rõ cơ chế hoạt động, làm tiền đề để nhân rộng mô hình này.