Nông nghiệp Thủ đô bảo đảm tăng trưởng, phát triển bền vững
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Hà Nội, 9 tháng của năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,5% so cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,05% vào mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố.
Đáng ghi nhận, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang hình thành hướng đi riêng bảo đảm tăng trưởng, phát triển bền vững.
Tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực
Nông nghiệp luôn là ngành có nhiều rủi ro, từ biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết, dịch bệnh đến khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, nông nghiệp khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế.
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, 9 tháng qua, hầu hết lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt đều ghi nhận sự phát triển. Cụ thể, lúa đạt diện tích hơn 150.000ha, trong đó phần lớn là lúa chất lượng cao. Đối với rau màu, toàn thành phố Hà Nội gieo trồng 34.330ha, trong đó, rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận đạt 14.000ha, rau hữu cơ đạt 489ha... Chăn nuôi, gia súc, gia cầm đều ghi nhận sự tăng trưởng so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, đàn trâu đạt 28,8 nghìn con, tăng 2,1%; đàn lợn đạt 1,48 triệu con, tăng 4,8%; đàn gia cầm 41,5 triệu con, tăng 2,7%. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trong 9 tháng đạt hơn 87.500 tấn, tăng 1,4% so cùng kỳ năm trước.
Đáng ghi nhận, nhờ quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung vào cây, con chất lượng tốt, Hà Nội đã hình thành nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả kinh tế lớn.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp Thủ đô, thành phố hiện có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt; 45 mô hình chăn nuôi; 54 mô hình thủy sản; 1 mô hình kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp tình hình thực tế của Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội còn phát triển nhiều mô hình nông nghiệp xanh gắn với du lịch sinh thái. Đến nay, Hà Nội có 58,9% diện tích đất nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng “xanh”. Các quy hoạch lớn của Thủ đô đang được triển khai đều xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, phát huy tối đa nguồn lực từ nông nghiệp đô thị.
Hoàn toàn có thể cán đích mục tiêu năm 2023
Trong 9 tháng của năm 2023, ngành Nông nghiệp Thủ đô tăng trưởng 2,5% đã khẳng định hướng đi đúng. Theo mục tiêu, năm 2023, toàn ngành sẽ đạt tăng trưởng 2,64%. Với bối cảnh hiện nay, mục tiêu này hoàn toàn có thể cán đích hoặc đạt cao hơn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, để bảo đảm tăng trưởng đạt mục tiêu, phát triển bền vững, từ nay đến cuối năm, ngành tập trung sản xuất vụ đông, nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo đảm cung ứng cho thị trường cuối năm. Theo đó, các địa phương cần rà soát toàn bộ diện tích, sản xuất vụ đông theo kế hoạch đề ra, không để ruộng, đất hoang hóa, lãng phí tài nguyên đất. Ngành Nông nghiệp cùng các địa phương có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư phát triển sản xuất, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản; đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho hay, huyện rà soát toàn bộ diện tích đủ điều kiện sản xuất vụ đông, theo đó, vụ đông 2023, huyện gieo trồng 1.093ha. Huyện cũng có nhiều chính sách hỗ trợ giống; khuyến khích nông dân thuê hoặc mượn ruộng để xây dựng các vùng sản xuất tập trung. Đối với Thường Tín, vụ đông là một trong 3 vụ sản xuất chính. Vì vụ đông cung ứng cho thị trường nông sản, thực phẩm cuối năm, nên đây là thời điểm giá trị kinh tế nông nghiệp có thể gia tăng mạnh.
Đối với chăn nuôi, Sở NN&PTNT Hà Nội tập trung hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh công tác tái đàn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao hiệu quả trong sản xuất để bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm 2023 và chỉ tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh; từng bước triển khai thí điểm xây dựng một số xã chăn nuôi trọng điểm thành cơ sở an toàn dịch bệnh, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.
Trong lĩnh vực thủy sản, Hà Nội mở rộng diện tích thâm canh, phát triển nuôi trồng thủy sản tại các vùng đủ điều kiện; tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục hỗ trợ các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh liên kết, kết nối thị trường các tỉnh, thành phố lân cận.
“Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan, các doanh nghiệp, hợp tác xã tăng cường hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, cách thức xây dựng quy trình đóng gói, kết nối, giao nhận và tác nghiệp trên sàn thương mại điện tử cho các hợp tác xã, nông dân, thúc đẩy đổi mới phương thức mua bán trên sàn thương mại điện tử”, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhấn mạnh.