Trí thức khoa học, công nghệ đề xuất cần có các chính sách đãi ngộ, trọng dụng
Sáng 2-10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết: Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội sẽ xem xét và thảo luận trên 40 nội dung trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đây là lần đầu tiên, Liên hiệp Hội Việt Nam tổ chức một hội nghị lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ để gửi đến Đảng, Nhà nước và kỳ họp thứ sáu của Quốc hội về nguyện vọng, tâm tư của trí thức, đồng thời đề xuất những vấn đề trọng yếu của đất nước.
Tại hội nghị, các trí thức đã nêu nhiều ý kiến, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ; thu hút lực lượng trí thức; các vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính cho phát triển khoa học và công nghệ cũng như cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đặc biệt là về chính sách thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập; dự thảo về Luật Đất đai sửa đổi…
Ðóng góp ý kiến tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam đề xuất, cần ban hành luật về hội nghề nghiệp.
“Hiến pháp 2013 quy định lập luật về hội. Quốc hội cũng đặt ra vấn đề này trong nhiều nhiệm kỳ, song đến nay vẫn chưa làm được. Chúng tôi rất cần có nền tảng hành lang pháp lý để hoạt động” - Tiến sĩ Nguyễn Quân nêu. Ông cũng đề nghị Quốc hội, MTTQ tăng cường kiểm tra, giám sát để các nghị định, thông tư đã ban hành được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nhất.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, đội ngũ trí thức có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhưng 15 năm qua, kể từ khi ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” thì vẫn chưa có một chính sách cụ thể nào với trí thức đi vào cuộc sống.
Do đó, Tiến sĩ Nguyễn Quân cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách đãi ngộ, trọng dụng đội ngũ trí thức. Cụ thể là cần tin tưởng, lắng nghe, giao việc cho trí thức; tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho trí thức; có chế độ thu nhập thỏa đáng để trí thức yên tâm làm việc, cống hiến trí tuệ của mình xây dựng đất nước.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của Quốc hội (khóa XI), Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đề xuất giảm lãi suất vay và tạo cơ hội để doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giải ngân các khoản vốn vay kịp thời.
Ông Đặng Văn Thanh cũng lưu ý đến các chính sách thuế và quản lý thuế với hoạt động khoa học và công nghệ; đề nghị sớm xem xét thuế liên quan chuyển giao công nghệ, đặc biệt là thuế tài sản 20 năm nay chưa được ban hành.
“Hiện nhiều chính sách thuế đang vướng mắc, kể cả thuế xuất, nhập khẩu, VAT..., đặc biệt là thủ tục hoàn thuế. Thuế thu nhập cá nhân cần tính lại mức giảm trừ gia cảnh. Thuế khấu trừ tại nguồn là đúng, song nên có chính sách để cá nhân được hoàn lại” - ông Thanh bày tỏ.