Y tế

Hà Nội đã có hơn 15.300 ca sốt xuất huyết, nhiều ổ dịch phức tạp kéo dài

Thu Trang 01/10/2023 - 15:27

Trong tuần này, trên địa bàn Hà Nội tiếp tục có thêm gần 2.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần đầu của tháng 9-2023).

Như vậy, cộng dồn 9 tháng năm 2023, thành phố đã ghi nhận 15.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có nhiều ổ dịch phức tạp kéo dài.

Số ca mắc lập đỉnh mới

Ngày 1-10, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 22 đến 29-9), trên địa bàn thành phố có 2.578 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng gần 200 trường hợp so với tuần trước đó và tăng 1,5 lần so với tuần đầu tiên của tháng 9-2023). Đây cũng là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Trong số các địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân trong tuần này, dẫn đầu là Thanh Oai có 190 ca, tiếp đến là Phú Xuyên có 187 ca, Phúc Thọ (174 ca), Hoàng Mai (173 ca), Đan Phượng (151 ca), Cầu Giấy (138 ca), Đống Đa (137 ca), Quốc Oai (125 ca), Hà Đông (123 ca), Chương Mỹ (120 ca), Nam Từ Liêm (111 ca), Thanh Xuân (105 ca), Thanh Trì (100 ca).

kiem-tra-sxh.jpg
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Hai Bà Trưng.

Như vậy, cộng dồn trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội ghi nhận 15.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022); trong đó có 3 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 557/579 xã, phường, thị trấn.

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (1.141 ca), Phú Xuyên (951 ca), Thanh Trì (928 ca), Thạch Thất (924 ca), Hà Đông (904 ca), Đống Đa (852 ca), Cầu Giấy (846 ca), Nam Từ Liêm (754 ca), Đan Phượng (744 ca), Thanh Oai (723 ca).

Ngoài ra, trong tuần này, trên địa bàn cũng ghi nhận thêm 78 ổ dịch sốt xuất huyết tại 21 quận, huyện, thị xã; trong đó, Bắc Từ Liêm có 9 ổ dịch; Quốc Oai, Đống Đa - mỗi nơi có 8 ổ dịch; Phúc Thọ (7 ổ dịch); Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đan Phượng - mỗi nơi có 5 ổ dịch; Sóc Sơn, Thanh Oai, Hai Bà Trưng (4 ổ dịch); Tây Hồ, Phú Xuyên (3 ổ dịch); Ba Vì, Sơn Tây, Hoàng Mai, Thường Tín (2 ổ dịch); Chương Mỹ, Thanh Xuân, Ba Đình, Thạch Thất (1 ổ dịch).

Tổng số ổ dịch tính từ đầu năm 2023 đến nay là 1.029. Hiện còn 289 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã, trong đó một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài và ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) có 485 ca bệnh; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 340 ca; thôn Đống, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) có 70 ca…

Bên cạnh đó, kết quả kiểm tra giám sát tại một số nơi vẫn tiếp tục ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ từ 3-4 lần. Theo quy định, vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên. Trong khi đó, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết trong tuần này cho thấy, tại thôn 8, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ (BI=80); phường Định Công, quận Hoàng Mai (BI=60); xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên (BI=50)…

can-bo-y-te-phuong-viet-hung.jpg
Cán bộ y tế phường Việt Hưng, quận Long Biên hướng dẫn người dân loại bỏ các dụng cụ chứa nước có bọ gậy.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sốt xuất huyết là một bệnh lưu hành quanh năm, do đó, việc phòng, chống đòi hỏi liên tục, thường xuyên triển khai một cách đồng bộ trong toàn xã hội. Để có những biện pháp dự phòng hiệu quả lâu dài, cần tập trung loại bỏ những ổ muỗi vằn, ngăn chặn vector truyền bệnh, đó là nhiệm vụ, chính sách cụ thể của từng địa phương, đặc biệt là những nơi có tốc độ đô thị hóa cao. Bên cạnh đó, thực hiện quản lý tốt các ca bệnh.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo CDC Hà Nội, thực tế nhiều bệnh nhân khi bị sốt xuất huyết, họ sẽ đến thẳng bệnh viện tư, không qua trạm y tế, không đến bệnh viện công dẫn đến không thể giám sát bệnh nhân từ sớm và xử lý ổ dịch từ sớm. Trong khi nếu không xử lý ổ dịch sốt xuất huyết từ 3 ngày đầu, mà để qua ngày thứ 5 thì ổ dịch sẽ bùng phát và nhân rộng. Khi ổ dịch đã tăng đến 10 bệnh nhân thì thành 20-30 bệnh nhân là rất nhanh.

Kiểm tra những nơi có tỷ lệ phun hóa chất chưa triệt để

Theo các chuyên gia y tế, dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ rơi vào tháng 10, 11. Với diễn biến thời tiết như hiện nay, nhiệt độ hằng ngày dao động trong khoảng 26-32°C, là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi. Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch, nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều điểm vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh… Do đó, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.

Tại Việt Nam, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, việc chống dịch phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác, sự phối hợp của người dân trong hoạt động diệt bọ gậy, diệt muỗi truyền bệnh.

sxh.jpg
Cán bộ y tế quận Thanh Xuân hướng dẫn người dân diệt bọ gậy.

Phó Giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cũng cho rằng, biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết cần tập trung vào hai nội dung chính, đó là diệt bọ gậy và xử lý ổ dịch triệt để. Do đó, các cơ quan chuyên môn cần thực hiện giám sát, xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết theo đúng quy định, hạn chế thấp nhất ổ dịch lan rộng, diễn biến kéo dài.

“Phải bảo đảm 95% hộ gia đình trong ổ dịch được phun hóa chất. Các cơ quan chuyên môn cần tập trung kiểm tra, giám sát tại các xã, phường có tỷ lệ bỏ sót ổ bọ gậy và tỷ lệ phun hóa chất diệt muỗi chưa triệt để cao”, ông Vũ Cao Cương nhấn mạnh.

tham-kham-benh-nhan-sxh-tai-bv-dong-da.jpg
Chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Theo CDC thành phố, trong tuần này, công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tiếp tục được triển khai tại các ổ dịch ở một số quận, huyện: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức cho đội xung kích, tổ giám sát và các cộng tác viên về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết tại một số nơi có diễn biến dịch phức tạp, kéo dài.